Nếu có thể dùng một từ thật ngắn để nói về thế giới năm 2008 thì đó là “bất ổn, sợ hãi”. Quả thật, nền kinh tế toàn cầu hóa mấy năm trước hỉ hả, đông vui đến như thế, bỗng chốc sụm sò làm ngơ ngác hàng tỷ người. Chưa bao giờ con người lại cảm thấy thật rõ xã hội mà chúng ta đang sống lại mỏng manh, bất an đến vậy! Khủng hoảng thị trường chứng khoán,tài chính ở Mỹ. B. Obama, Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Quang cảnh đổ nát sau trận động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Khủng bố ở Munbai, Ấn Độ
1- Nửa năm đầu, giá dầu, giá thép, giá vàng tăng chóng mặt. Cứ nghĩ nền kinh tế “dồi dào” của thời đại mới đem đến cho con người quá nhiều tiền của nên họ đã chi tiêu như thể bị lên đồng. Giá dầu lúc tột đỉnh, leo lên đến hơn 147 USD/thùng, bây giờ chỉ còn lại dưới 50 USD.
Tương ứng với nó là giá trị cổ phiếu toàn cầu rớt thê rớt thảm, bằng một nửa, thậm chí 1/3 giá trị so với nửa năm trước. Khủng hoảng bắt đầu từ khu vực cho vay thế chấp của nền kinh tế Mỹ. Một loạt tập đoàn tài chính, ngân hàng đầu tư khổng lồ như Bear Steams, Indy Mac, Lehman Brother, Merril Lynch, Washington Mutual, Fanny Mae..., bị đổ bể hoặc đang sắp sửa đứng trước sự phá sản.
Những khoản cứu trợ khẩn cấp của Mỹ và EU lên đến gần 2.000 tỷ USD vẫn chưa đem lại tín hiệu khả quan nào, cho thấy cuộc khủng hoảng lần này là hết sức nghiêm trọng. Đặc biệt, khủng hoảng “vắt ngang” giai đoạn cuối 2008 đầu năm 2009 còn nói lên rằng bức tranh kinh tế của thế giới trong năm tới là sẽ có rất ít các gam màu đẹp nhưng có nhiều những gương mặt luôn khắc khoải thở dài. Tuy nhiên, sự kiện ấn tượng nhất về kinh tế là cú lừa ngoạn mục hơn 50 tỷ USD của B. Madoff. “Kỷ lục của Phố Wall” đã làm cho hàng ngàn nhà đầu tư bị khuynh gia bại sản.
2- Chiến thắng “phi thường” của ông Barack Obama trong cuộc bầu cử Tổng thống lịch sử ở Mỹ dường như đang “định nghĩa lại” nhiều giá trị. Người viết bài này đã từng khẳng định đây là điều không thể xảy ra(!) Vậy mới biết sự non nớt của nhận định chính trị quả là vô lường. Thế nhưng, lịch sử chính trị thời nay không khác gì một trận túc cầu; và, như bao giờ cũng thế, cần phải có cách để rút ra những bài học cần thiết.
Tài hùng biện có một không hai và cách ăn nói cực kỳ dí dỏm gần như thiên phú của B. Obama đã đem đến cho ông một lợi thế không nhỏ. Nên nhớ rằng, trong con mắt của người Mỹ, tính hài hước phải là tố chất không thể thiếu của Tổng thống. Một người thông minh có thể không thích hài hước, nhưng những ai biết hài hước đều thông minh.
Trên cái bệ lò sưởi của Nhà Trắng có câu rằng Người trị vì trong ngôi nhà này chỉ được phép lương thiện và khôn ngoan”. Đấy là điều nước Mỹ luôn tìm kiếm. Mặt khác, nếu trở thành tổng thống, Obama là người thứ ba có học hàm tiến sĩ làm chủ Nhà Trắng (sau Woodrow Wilson, 1913-1921 và Bill Clinton, 1993-2001). Tiến sĩ thật thì đời nào cũng cần, nhất là ở cương vị lãnh đạo đất nước.
Sự kiện chính trị “kinh hoàng” nhất của năm là chuyện “giày bay” ở Iraq giữa tháng 12-2008. Có lẽ đây là kỷ niệm buồn nhất của Tổng thống G. Bush suốt 8 năm qua. Mật vụ Mỹ luôn tự hào là tốt nhất thế giới đã bị một phen bẽ bàng!
3- Trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) ngày 12-5-2008 làm chết 69.226 người và 17.923 người mất tích, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của 45 triệu người, là tai nạn khủng khiếp và đau lòng nhất của năm. Thiên nhiên vẫn tiếp tục nổi giận bởi con người vẫn cứ ngoan cố và bất chấp mọi lời cảnh báo của “bà mẹ trái đất”.
Thậm chí, đã có học giả kêu lên một cách thống thiết rằng “Môi trường hay là chết?” (Environment or Die?). Nhưng điều đáng nói hơn cả là có hàng ngàn học sinh đã bị cướp đi sự sống không phải vì thiên tai mà chính là vì nhân họa. Hàng trăm ngôi trường bị bớt xén, tham nhũng nên thiếu xi-măng, sắt thép cần thiết là nguyên nhân chính gây nên cái chết của hàng ngàn đứa trẻ vô tội.
Sau sự kiện này, không ai còn nói tham nhũng chỉ gây ra “tác hại về vật chất”. Sinh mạng, văn hóa, các truyền thống tốt đẹp tự lâu đời, những chuẩn mực căn bản của đạo đức đều bị mất mát, đảo lộn bởi một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của loài người là tính vị kỷ và lòng tham bất chấp nhân phẩm, lương tri.
Bão ở Cu Ba, cuồng phong ở Myanmar, lụt lội bất thường ở Bangladesh... còn cho loài người biết rằng dường như vì “phát triển”, “lợi ích” trước mắt, mà loài người đã quên mất chuyện do quá vội vã sống, quá vội vã trục lợi, quá vội vã coi thường cuộc đời của con cháu sau này nên thế hệ đang có quyền cầm cân, nảy mực trong các Nhà nước, đã tàn phá ngôi nhà của chính mình, giống như cách vì gấp gáp mà ta đã đóng sập thật mạnh những cánh cửa, đến nỗi làm chúng vỡ tan ra từng mảnh? Sau đó sẽ là những sự đổ vỡ nào?
4- Chủ nghĩa khủng bố trong năm qua tuy không gây nên những vụ “động trời” nhưng lại đang tỏ ra nguy hiểm và bất thường hơn. Vụ tàn sát ở thành phố Mumbai (cuối tháng 11-2008) làm chết và bị thương hàng trăm người là một dẫn chứng điển hình. “Sự xung đột giữa các nền văn minh”, nếu đúng thế, không thể giải quyết bằng bạo lực, khủng bố và chống khủng bố. Nhất thiết phải tìm một con đường khác.
Có cảm giác chung rằng càng chống khủng bố bao nhiêu thì lại càng đổ nhiều máu, tăng thêm hỗn loạn bấy nhiêu. Tại sao loài người – chính hay tà không ngồi lại với nhau để “ngộ”? Đó là câu hỏi có từ 5.000 năm có lẻ. Phải chăng “sau lưng” của chính lẫn tà đều có những thế lực mong muốn đổ máu, bạo loạn để bán thêm súng, đạn; bán thêm cả bất ổn và phá hoại, bán tiếp cả rủi ro khó lường để triệt hạ các đối thủ tiềm tàng, để loại bỏ bớt “nguy cơ của nạn nhân mãn” – che đậy cho tâm địa hung ác thù ghét loài người?
5- Cái “chết” của Musharraf ở Pakistan và thành công của Hamas ở Palestines là những bất ngờ đã được dự báo. Thất bại là của G. Bush nhưng loài người thì nhận được nền chính trị bất ổn, như ở Thái Lan là một ví dụ rõ ràng. Đặc biệt, cuộc xung đột Gruzia – Nga đầu tháng 8, thiếu chút nữa đã đẩy loài người vào một lò lửa được “đun” bằng máu và nước mắt.
TT Mikhail Saakashvilli đã tính toán sai một nước cờ khi đưa quân vào Nam Ossetia. Điều gì sẽ xảy ra nếu hồi tháng 4-2008, Đức không phản đối việc kết nạp Gruzia vào NATO? Giả sử Gruzia là thành viên NATO thì dù muốn hay không, cuộc chiến tranh Nga – NATO là hiển nhiên. Người Nga đã quá hiểu bài học từ việc phương Tây công nhận Kosovo. Họ không bao giờ cho phép ai động đến cái hàng rào của nhà họ.
6- Olympic Bắc Kinh khai mạc vào thời khắc “cực phát” – 08h08’08” ngày 08-08-08, quả là sự kiện độc đáo trong lịch sử của những cuộc so tài của cơ bắp, sự khéo léo và bền bỉ. Sự hoành tráng ngang tầm cỡ của “vĩ đại” là điều có thể ghi nhận. Ồn ào, tốn kém, phô trương và đầy ấn tượng là những điều mà người Trung Hoa đã làm được, giống như họ đã từng chứng tỏ mình là một trong những “nhân vật lịch sử” của lịch sử loài người.
Khả năng tổ chức chặt chẽ đến phi thường, sự bất ngờ của trí tưởng tượng, cái xuyên suốt của văn hóa cổ băng qua thời hiện đại, cái lung linh của khát vọng và đam mê... Đó là những điều mà các Thế vận hội khác chưa làm được. Olympic Bắc Kinh quả đã lập nhiều kỷ lục. Trong đó, M. Phelps sẽ trở nên bất tử khi lập đến 5 kỷ lục thế giới và giành được 8 huy chương vàng. Đây rất có thể là giới hạn cuối cùng về sức mạnh của con người trong cách phải biết bơi để khỏi chìm?
7- Năm thứ 8 của thế kỷ XXI, nhân loại chứng kiến thật nhiều những “kỷ niệm” vui, buồn. Kỷ niệm 160 năm ngày ra đời của Học thuyết Marx với tác phẩm bất hủ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Cho dù thăng trầm, biến động, chủ nghĩa Marx vẫn sống mãi. Điều kỳ diệu là đến năm 2008, số người phương Tây (lớp trẻ) tìm đọc Tư bản luận của K. Marx tăng gấp 3 lần so với trước.
Phải chăng vì cuộc khủng hoảng kinh tế của thế giới mà con người thấm thía hơn với những điều Marx đã tiên đoán từ rất lâu? 90 năm kỷ niệm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất (11-1918), buộc con người phải nghĩ nhiều hơn về sự tàn bạo phi lý của chiến tranh, thù hận, tang thương và mất mát.
40 năm kỷ niệm chiến thắng Tết Mậu Thân của nhân dân Việt Nam để cho các nhà sử học hiểu rõ hơn vì sao vị Tổng thống có chỉ số IQ cao nhất trong lịch sử các đời Tổng thống Mỹ - Lyndon B. Johnson, lại có thể bị ngã vùi đau đớn đến thế? Kỷ niệm 700 năm ngày mất, 750 năm ngày sinh của Nhà Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), để cho chúng ta ngẫm rằng vì sao chỉ cần 50 năm sống, Trần Nhân Tông lại làm được những điều mà không một vị vua nào trên thế giới này làm được? Hai lần đánh thắng quân Nguyên (1285, 1288), mở mang bờ cõi, từ bỏ ngai vàng năm 35 tuổi, sáng lập một thiền phái Phật học, nhân nghĩa đến bao la trong sâu thẳm, không cùng.
Năm 2008 cũng là dịp kỷ niệm 10 năm của Google (27-9-1998). Không một fan nào của thế giới net không biết ơn Google. Net đem đến sự thay đổi, còn Google đem đến cách hiểu khác về thế giới. Chẳng hạn, Google minh chứng rằng thời gian sống sẽ không còn quá ngắn ngủi nữa nếu bạn truy cập một kiến thức nào đó theo đường link của chính nó...
8- Trong bức tranh chung ảm đạm của nền kinh tế - chính trị thế giới; có thể nói, Việt Nam vẫn là một trong những điểm sáng đáng tự hào. Chúng ta biết rằng thâm hụt nhập khẩu năm nay cao hơn năm ngoái (đến hết tháng 11-2008, thâm thủng mậu dịch là 16,9 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước là 14,1 tỷ USD); tỷ lệ lạm phát là cao nhất, kể từ năm 1991 (22%). Tuy nhiên, nếu nhìn ra bên ngoài thì những kết quả mà Việt Nam đạt được là rất ấn tượng.
Sự ổn định của đất nước là nhân tố quyết định đưa đến khả năng thu hút vốn FDI cao chưa từng có: Hơn 60 tỷ USD. Tốc độ phát triển, mặc dù khác với dự báo ban đầu, con số 6,7% tăng trưởng là điều có thể cho phép có một đánh giá lạc quan. Đạt được thành tích đó là công lao của nhân dân cả nước, nhưng phải ghi nhận “giải pháp kinh tế cả gói” của Chính phủ trong tháng 9-2008 là nhân tố quan trọng nhất. Điều đáng được cả nước đón mừng là ngành du lịch, với lượng khách lên đến 4,9 triệu người đã khẳng định thành công vượt bậc trong bối cảnh cả thế giới thắt chặt hầu bao.
Việt Nam trở thành miền đất lành chim đậu - bởi chẳng ai đi du lịch mà lại không kỳ vọng sự bất ngờ. Nó đúng từ lẽ mong chờ. Tuy nhiên, cũng cần cảnh báo ngành du lịch rằng, họ đang “đi” du lịch bằng những bước chân đủng đỉnh trong khi cả thế giới “vội vàng”. Phải chăng đó là cách để quảng cáo cho năm Kỷ Sửu?
Tuy nhiên, thách thức đối với một nền kinh tế còn liên quan tới nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn, nạn tham nhũng về hình thức là có giảm nhưng mức độ và sự tinh vi ngày càng tăng; cơ chế cồng kềnh chưa tháo gỡ được bao nhiêu, đa số người dân không hài lòng với dịch vụ công..., đều là những vấn đề gây áp lực và tạo nên không ít lo ngại. Làm thế nào để rút ngắn sự tụt hậu xa hơn về mặt kinh tế so với các nước trong khu vực một cách vững chắc nhất đang là đòi hỏi cấp bách.
Có lẽ, điểm sáng lớn nhất và ấn tượng nhất trong thể thao của năm 2008 là việc đội tuyển bóng đá Việt Nam đoạt Cup AFF Suzuki 2008. Đó là giấc mơ dài đến 49 năm; đó còn là lời tiên tri rằng Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa. Biểu tượng của một hình hài, phẩm chất chỉ là một thoáng “lặng”: Lúc Công Vinh bật cao đánh đầu, ấn định tỷ số 1-1 để đoạt cup. Đó cũng là một cách khác trong tư thế ngẩng cao đầu của Việt Nam trước thềm năm mới.
Sự bất ổn và sợ hãi là dấu ấn đậm nhất của loài người khi năm 2008 đã lăn qua. Tại sao giá dầu có thể lên tới 147,27 USD/thùng (11-7-2008) rồi lại tụt xuống đến 43,67 USD(6-12-2008)? Câu hỏi đó không thể trả lời ngay bây giờ, bởi sự suy thoái kinh tế toàn cầu mới chỉ là vế thứ nhất của vấn đề. Tại sao một nước nhỏ như Gruzia lại dám thách thức cả một con gấu khổng lồ? Bí ẩn của quan hệ quốc tế chỉ được khám phá sau nhiều năm nữa. Tại sao môi trường tiếp tục bị vơ vét, hủy hoại trầm trọng nhưng đa số loài người vẫn nhắm mắt, bưng tai? Hy vọng năm sau sẽ tốt hơn, đời sau sẽ khá hơn là cách đền bù bằng cảm giác và niềm tin. Dù sao, loài người vẫn tiếp tục sống vì những niềm vui và, cả những nỗi buồn...
HÀ VĂN THỊNH
.
.
ThẾ giỚi nĂm 2008:
Bất ổn, sợ hãi và...hy vọng!
Thứ Tư, 31/12/2008, 07:34 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.