Tuần qua, Trung Quốc đã tổng kết 30 năm cải cách và mở cửa. Ba mươi năm là một thời gian không ngắn, nhưng đối với một đất nước có hàng nghìn năm văn hiến như Trung Quốc thì con số này quả là ngắn ngủi, đặc biệt là so với những thành tựu mà nước này đạt được trong 30 năm cải cách và đổi mới.
Sự tôn vinh giàu có và thịnh vượng của Trung Quốc đã được minh chứng bằng các con đường cao tốc rộng lớn ở Bắc Kinh, các biệt thự cao cấp mọc lên như nấm... |
Tại lễ tổng kết, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào một lần nữa tái khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách cải cách và mở cửa vốn đã đưa nước này từ nghèo đói trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới sau 30 năm thực hiện. Những thay đổi lớn trong 30 năm qua đã chứng minh phương hướng, đường lối cải cách và mở cửa là hoàn toàn đúng đắn. Căn cứ vào tình hình thế giới hiện nay, đặc biệt là sự leo thang và lan rộng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc phải tiếp tục kiên định tập trung vào phát triển kinh tế.
Với quyết định cải cách và mở cửa nền kinh tế của nhà lãnh đạo thiên tài Đặng Tiểu Bình cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ ngày 18-12-1978, đã làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc. Trung Quốc trở thành nước đi đầu trong việc tháo gỡ cơ chế cũ, bứt phá thận trọng nhưng sáng tạo và mạnh bạo nhằm xây dựng một nền kinh tế mới giữa các quốc gia thuộc hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ. Đặng Tiểu Bình là người đầu tiên đề xuất Trung Quốc nên tiến hành cải cách, thừa nhận chính sách mở cửa và tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế.
Trong khi còn khoảng 80% dân số Trung Quốc sống ở vùng nông thôn, ông chỉ ra rằng, cải cách nên tiến hành ở nông thôn, trước khi tiến hành ở các thành phố. Công cuộc cải cách các khu đô thị thường phức tạp hơn ở vùng nông thôn, ông khuyến khích nên khám phá các tiềm năng này một cách táo bạo nhưng cũng bằng sự quan tâm và cẩn trọng.
Theo đề xuất của ông, 4 đặc khu kinh tế đã được hình thành và 14 thành phố duyên hải mở cửa với thế giới. Thâm Quyến được chọn làm nơi thử nghiệm các chính sách tự do hóa kinh tế của Trung Quốc. Gần 30 năm sau, nơi từng là làng chài 30.000 dân giáp với Hồng Kông này đã biến thành một trung tâm kinh tế của 12 triệu người.
Trên cơ sở bình đẳng đôi bên cùng có lợi, ông Đặng Tiểu Bình tuyên bố, Trung Quốc mở rộng hợp tác kinh tế với các nước bên ngoài, thu hút vốn, giới thiệu các kỹ thuật và kỹ năng quản lý tiên tiến của họ để thúc đẩy việc phát triển kinh tế riêng của mình. Các thành phần tư nhân nên được phát triển như là một phần phụ trợ cho các thành phần xã hội vốn dĩ sẽ chiếm ưu thế trong nền kinh tế Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc kể từ đó đã tăng trưởng mạnh và vươn lên hàng thứ tư thế giới, sau Mỹ, Nhật Bản và Đức. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người năm 1985 là 293 USD và sau hơn 20 năm tăng lên gần 10 lần là 2.025 USD. Cải cách kinh tế giúp Trung Quốc tăng trưởng ở mức đáng kinh ngạc, với mức tăng trung bình hằng năm là 9,8% trong giai đoạn 1978-2007.
Năm 1978, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc ở mức 364,5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 52 tỷ USD), nhưng đến năm 2007, con số này đã gấp 68 lần, khoảng 3.540 tỷ USD. Theo dự báo đến năm 2025, Trung Quốc có khả năng vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Thậm chí, đến năm 2038, Trung Quốc có thể sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mặc dù cuộc cải cách này đem lại rất nhiều lợi ích cho mọi người nhưng không phải ai cũng nhận được những lợi ích bình đẳng như nhau. Sự thay đổi kỳ diệu của nền kinh tế Trung Quốc một phần được đóng góp bởi những người dân nhập cư. Họ là những người nông dân đã rời bỏ đất đai làng mạc để lên thành phố kiếm sống.
Theo ước tính của Chính phủ Trung Quốc thì số người dân nhập cư hiện nay vào khoảng 210 triệu người. Như vậy, chỉ cần 10% trong số những người nhập cư này thất nghiệp thì nguy cơ bất ổn xã hội lẫn chính trị sẽ khó lường. Một hạn chế của cải cách kinh tế đó là tình trạng phân hóa giàu nghèo rất rõ rệt. Khi nhà nước áp đặt đường hướng phát triển, cho phép một thành phần có ưu quyền đặc lợi được làm giàu trước thành phần khác, thì khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn. Theo ước tính mới nhất của Ngân hàng Thế giới, hơn 100 triệu trong số 1,3 tỷ dân Trung Quốc sống ở mức dưới 1 USD/ngày. Con số này đã giảm so với mức 800 triệu người ba thập niên trước, nhưng số người sống ở mức 1-2 USD/ngày lại nhiều hơn.
Trải qua 30 năm đổi mới, sức mạnh dân tộc của Trung Quốc tăng lên một mức rất lớn và nhân dân nước này đã nhận được những lợi ích rõ ràng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít hạn chế. Cũng chính vì lẽ đó mà tại phiên họp kỷ niệm 30 năm đổi mới, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã thúc giục người dân nước mình không được bằng lòng với những thành tựu đó và không ngừng tiến lên phía trước.
Ông nhấn mạnh, lễ kỷ niệm hôm nay là để nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và những thành tựu to lớn của công cuộc cải cách, tích lũy kinh nghiệm và tiếp tục phát triển đất nước trên con đường chủ nghĩa xã hội mang những đặc điểm riêng của Trung Quốc.
GIA HUY