.

Trung Quốc xem xét bồi thường cho các nạn nhân vụ sữa bẩn

.

(ĐNĐT) - Người phát ngôn của Bộ Y tế Trung Quốc, Mao Qun"an, cho biết nước này đang xem xét việc bồi thường cho gia đình của những trẻ em bị thiệt mạng và bị ốm do đã sử dụng loại sữa bột dành cho trẻ sơ sinh bị nhiễm melamine, sau nhiều tháng gia đình của các em này đấu tranh yêu cầu được đền bù nhưng đã không được đáp ứng.

Trung Quốc đang xem xét bồi thường cho nạn nhận vụ sữa bẩn. Ảnh: AFP
Bộ Y tế hiện đang thu thập hồ sơ y tế và kiểm tra số liệu thống kê phục vụ công tác chuẩn bị cho việc đền bù này.

Ông Mao cho biết ông không được ủy quyền để công bố thông tin chi tiết về kế hoạch đền bù, tuy nhiên, ông khẳng định với giới truyền thông là các cơ quan có liên quan đang triển khai thực hiện và sẽ công bố kết quả sau khi kế hoạch này được thông qua. Cũng theo ông Mao, chính quyền của các địa phương đã phải chi trả một khoản kinh phí lớn để chi trả cho các loại thuốc men và trang bị thiết bị siêu âm cho các bệnh viện do hơn 22 triệu trẻ em đã cần phải được xét nghiệm sau khi uống loại sữa bột có nhiễm một loại hóa chất công nghiệp được biết đến với tên gọi melamine. Việc xét nghiệm đã được bắt đầu tiến hành hồi tháng 9. Những trẻ em được xác nhận mắc bệnh sỏi thận đã được điều trị miễn phí.

Tuần trước, Bộ Y tế Trung Quốc công bố thông tin đã có 6 trẻ em bị thiệt mạng do uống loại sữa bột đã bị nhiễm bẩn. Thêm 294.000 trẻ khác đã gặp phải các vấn đề về đường tiết niệu như là bị sỏi thận. Tổng Cục Giám sát Chất lượng, Kiểm tra và Kiểm dịch Trung Quốc đã công bố tên của 22 công ty sữa đã sản xuất các sản phẩm sữa bị nhiễm melamine sau khi loại sữa bột do Tập đoàn Tam Lộc sản xuất bị phát hiện có chứa loại hóa chất cấm này hồi giữa tháng 9.

Tuy nhiên, một vị luật sư tại Bắc Kinh tên Li Fangping, người đã kêu gọi sự đền bù cho gia đình nạn nhân, cho biết kế hoạch này của Chính phủ Trung Quốc sẽ không làm thỏa mãn mong muốn của gia đình các nạn nhân về việc chính phủ phải có trách nhiệm giải trình công khai vụ việc này. “Kế hoạch này đang được triển khai sau những cánh cửa khép kín. Các nạn nhân và những luật sư đại diện cho họ phải được tham gia vào việc thiết lập các quy định cho việc đền bù. Sự quan liêu truyền thống trong việc giải quyết những vấn đề này vẫn không được thay đổi… Vì vậy, tôi rất lấy làm hoài nghi về kế hoạch này”, luật sư Li nói.

Vụ bê bối này cũng đã dẫn đến hậu quả là hàng chục thị trường xuất khẩu đã ra lệnh cấm và kiểm tra thêm đối với các sản phẩm sữa và thực phẩm của Trung Quốc, do melamine đã bị phát hiện trong hàng loạt sản phẩm từ kẹo cho đến trứng.

Q.Đan (Theo Tân Hoa Xã, Reuters, AP)

;
.
.
.
.
.