.

Hàn Quốc: Lụi tàn giấc mơ du học

.

Giờ này, lẽ ra cô Seo Ji-won đã có mặt tại Sydney, Úc theo giấc mơ lấy bằng tiến sĩ và công việc làm có mức lương cao. Nhưng thay vì vậy, cô gái Hàn Quốc 26 tuổi vừa tốt nghiệp kỹ sư công nghệ vẫn phải ở lại quê nhà Seoul, phụ việc bán thời gian trong một quán café.

Cô Lee Min-hye muốn đi học ở Boston (Mỹ) nhưng phải chuyển sang học ở Sydney (Úc) để tiết kiệm chi phí.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang xói mòn niềm tin vào nền kinh tế một thời rực rỡ của Hàn Quốc, làm mất giá đồng won (đồng tiền Hàn Quốc), và buộc hàng chục ngàn sinh viên phải thay đổi, thậm chí hủy bỏ kế hoạch học tập của mình.

Đối với cô Seo, việc đồng won mất giá hơn một phần ba đã đẩy chi phí một khóa học bốn năm tại Úc tăng thêm 10.000 đô-la Mỹ, vượt quá số tiền mà cô tiết kiệm được. “Tôi đang trong giai đoạn tạm dừng trên đường học vấn. Tương lai của tôi tùy thuộc vào việc đồng won tăng giá trở lại”, cô Seo nói.

Cũng như Việt Nam, người Hàn Quốc coi trọng sự học. Những năm gần đây, du học nước ngoài là “điều bắt buộc” đối với những sinh viên có năng lực.

Kinh tế phát triển, mức sống của người dân được nâng lên và tỷ giá đồng won tăng cao so với các ngoại tệ mạnh đã làm bùng nổ ở Hàn Quốc phong trào ra nước ngoài học tiếng Anh và săn đuổi những tấm bằng có uy tín của các trường đại học Anh-Mỹ.

Số gia đình Hàn Quốc cho con cái đi du học ngày càng đông; và tấm bằng nước ngoài trong thực tế cũng mang lại lợi thế đáng kể cho sinh viên trong một thị trường lao động cạnh tranh quyết liệt. Việc đi du học còn giúp sinh viên thoát khỏi hệ thống giáo dục nhồi nhét nặng nề với áp lực cao ở trong nước.

Theo Bộ Giáo dục Hàn quốc, năm 2007 có khoảng 350.000 thanh niên xứ kim chi ra nước ngoài du học, phần lớn ở tuổi đại học, nhưng cũng có một ít theo học bậc phổ thông, thậm chí cả tiểu học và mẫu giáo.

Sinh viên Hàn Quốc được chào đón ở Mỹ.

Tại Mỹ, theo số liệu của Viện quốc tế về giáo dục Mỹ (IIE), năm 2008 Hàn Quốc xếp thứ ba trong những nước có nhiều sinh viên du học tại Mỹ với 69.124 người, chỉ sau Ấn Độ (94.563 sinh viên) và Trung Quốc (81.124 sinh viên), cho dù về quy mô dân số Hàn Quốc với 48 triệu dân chỉ là “tép riu” bên cạnh hai nước Ấn Độ và Trung Quốc. (Năm 2008, Việt Nam có 8.769 sinh viên đang học tại Mỹ, tăng 45% so với năm 2007 và là một trong 13 quốc gia có nhiều sinh viên đang học tại Mỹ nhất, theo số liệu của IIE).

Nhưng nay đã có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy quả bóng du học đang xì hơi.

Tháng 10-2008, Bộ Giáo dục Hàn quốc công bố số liệu cho thấy trong nửa đầu năm 2008, số học sinh ra nước ngoài du học đã giảm - lần sụt giảm đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua.

Trong một báo cáo khác, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc xác nhận, cùng thời gian này số tiền gửi ra nước ngoài để chi cho việc học tập là 2,3 tỷ đô-la Mỹ, giảm 5,8% so với năm trước - mức sụt giảm mạnh nhất kể từ thời khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Các chuyên gia giáo dục và sinh viên đều cho rằng, nguyên nhân chính là sự mất giá nhanh chóng của đồng won Hàn Quốc. Vào giữa năm 2008, tỷ giá của đồng tiền này đạt đỉnh cao với mức 900 won ăn 1 đô-la Mỹ; nhưng vào đầu năm nay 1 đô la Mỹ ăn được 1.360 won, nghĩa là đồng won đã mất giá 50% trong vài tháng qua. Sự thay đổi tỷ giá như vậy làm cho các chi phí mà du học sinh phải trả - tiền học phí, ăn ở, vé máy bay – đều tăng lên gấp rưỡi.

Theo ông Choi Won-seok, giám đốc một công ty dịch vụ du học ở Seoul, những năm trước có khá nhiều người Hàn Quốc theo học các chương trình ngắn hạn, thường là một năm, để rèn luyện tiếng Anh và các ngoại ngữ khác.

Năm ngoái có 150.000 thanh niên Hàn Quốc ra nước ngoài học các chương trình này song năm nay, con số này sẽ giảm từ 30% đến 40%. Cô Kang Youn-mo, một sinh viên khoa tiếng Pháp, 24 tuổi, đã hủy bỏ kế hoạch sang Paris học hai tháng hồi tháng 12-2008 vừa qua. Giờ đây, cô nói cô rất lo ngại vì các bạn cùng lớp từng du học phương Tây có khả năng nói tiếng Pháp tốt hơn cô nhiều.

“Tôi thấy mình bị thất thế. Nền kinh tế toàn cầu hóa đã không ưu ái với tôi”, cô Kang than thở. Cô Lee Min-hye, 22 tuổi, sinh viên ngành công nghệ sinh học tại Đại học Yonsei ở Seoul có kế hoạch đi học tiếng Anh tại thành phố Boston – trung tâm đại học nổi tiếng của Mỹ.

Nhưng đồng won mất giá đã khiến chi phí học tập vượt xa số tiền lương kỹ sư bán dẫn của cha cô và buộc cô phải chuyển sang học tại Sydney, nơi chi phí thấp hơn khoảng 40%. Dù sao cô cũng còn may mắn hơn cô Kang Youn-mo và cô Seo Ji-won. Những người Hàn Quốc khác thì chọn đi học tiếng Anh ở các nước có chi phí thấp hơn như Nam Phi hoặc Malaysia.

Một quốc gia có giá rẻ và được ưa chuộng là Philippines; ở đó sinh viên có thể thuê chỗ ở đầy đủ tiện nghi và học tiếng Anh trong những lớp một thầy một trò mà chỉ tốn mỗi tháng khoảng 750 đô-la Mỹ.

Vài chuyên gia giáo dục cảnh báo rằng, nếu khủng hoảng kinh tế kéo dài thì bất bình đẳng trong xã hội sẽ gia tăng vì du học nước ngoài trở thành một thứ đặc quyền chỉ dành cho con em các gia đình giàu có.

“Các gia đình trung lưu lớp trên vẫn có khả năng gửi con em ra nước ngoài học tập, cho dù phải hy sinh rất nhiều. Và điều đó cho phép họ vượt lên trước những gia đình kém may mắn hơn”, bà Oh Ookwhan, giáo sư về giáo dục học tại Đại học nữ Ewha ở Seoul nhận xét.

Nỗi lo ngại bị rơi lại đằng sau đã làm nhiều sinh viên Hàn Quốc không muốn từ bỏ giấc mơ du học, cùng lắm thì chỉ đình hoãn nó.

Cô Seo, người đã hủy bỏ chuyến du học tại Sydney nói rằng, cô vẫn quyết tâm đi học, bất chấp áp lực nặng nề từ gia đình và bạn bè, muốn cô ở lại Seoul và lấy chồng. Cô đang dành dụm tiền bạc và cố duy trì kỹ năng tiếng Anh trong những ngày tháng chờ đợi cuộc khủng hoảng đi qua.

THÁI BÌNH  

;
.
.
.
.
.