Với chủ đề “Định hình thế giới sau khủng hoảng”, hội nghị thường niên lần thứ 39 Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2009 đã khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ, và sẽ kéo dài cho đến hết ngày 1-2-2009.
Hội nghị xem xét cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay và các biện pháp nhằm đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng, định hình toàn bộ chương trình nghị sự sau khủng hoảng từ cải cách kinh tế đến biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và nước, xem xét các thể chế mà thế giới cần hợp tác để phát triển.
Chương trình nghị sự của hội nghị bao gồm 6 phần: Thúc đẩy sự ổn định trong hệ thống tài chính và phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu; đảm bảo việc điều hành có hiệu quả ở các cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu; giải quyết những thách thức về bền vững và phát triển; định hình các giá trị và các nguyên tắc lãnh đạo cho một thế giới sau khủng hoảng; tạo ra đợt sóng phát triển mới thông qua đổi mới, khoa học và kỹ thuật; và hiểu biết những hàm ý về các mô hình kinh doanh công nghiệp.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã mô tả cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay như một “cơn bão hoàn hảo” và kêu gọi thế giới tránh rơi vào chủ nghĩa biệt lập hay “ích kỷ kinh tế”. Các chuyên gia thì cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay đã bộc lộ “cuộc khủng hoảng về quản lý toàn cầu” và nó chỉ có thể được giải quyết bằng cuộc cải cách cấp tiến của Liên Hiệp Quốc. Điều quan trọng là lãnh đạo các nước cùng hợp tác để tìm ra các chính sách sâu rộng và có hiệu quả cho phép tạo ra sự phát triển kinh tế bền vững và tạo công ăn việc làm cho tất cả những người bị mất việc.