.

Lãnh đạo thế giới nóng lòng gặp Obama

.

Washington vẫn thắt chặt an ninh sau lễ nhậm chức

Cùng với hàng triệu người dân thế giới, các nhà lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đang sốt sắng mong được trở thành người đầu tiên tiếp xúc với Tổng thống Mỹ Barack Obama sau khi ông nhậm chức. Người gặp Tổng thống thứ 44 của Mỹ đầu tiên sẽ nhận được sự ủng hộ từ trong nước nhờ hiệu ứng Obama đang lan tỏa khắp thế giới. Trợ lý của lãnh đạo ba nước lớn ở châu Âu là Anh, Pháp và Đức đã vận động hành lang hàng tháng nay để mong có cuộc gặp này.

Tân Tổng thống Obama đọc diễn văn tuyên thệ nhậm chức.

Trong lá thư gửi Obama, Thủ tướng Anh Gordon Brown cam kết, nước Anh “sẵn sàng cộng tác” với chính quyền mới ở Mỹ. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng chúc mừng Obama và nói: “Chúng tôi háo hức chờ ông ấy bắt tay làm việc và thay đổi thế giới”. Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel chúc Obama “may mắn” và cảnh báo ông trong một loạt vấn đề như quân đội Mỹ ở Afghanistan và rắc rối với Iran. Trong khi đó, Ngoại  trưởng Pháp Bernard Kouchner thì nói rằng:
 
“Tôi chia sẻ sự khâm phục và xúc cảm của cả thế giới về Obama. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta không nên mong chờ ông giải quyết ngay lập tức tất cả các vấn đề của người Mỹ, hoặc của chúng ta. Barack Obama không có phép thuật trong tay”. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski tuyên bố: “Ba Lan sẽ ủng hộ Obama bất cứ nơi nào lợi ích của chúng ta cùng có và nơi nào khả năng kinh tế và chính trị của chúng ta cho phép”. Giáo hoàng Benedict XVI cũng kêu gọi Obama “thúc đẩy hợp tác và hòa bình” giữa các quốc gia. Còn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thì hy vọng, tân tổng thống Mỹ sẽ giúp giải quyết căng thẳng ở Trung Đông. 

Giới truyền thông quốc tế đưa tin rằng: “Có đến 79% người dân Mỹ tuyên bố lạc quan về bốn năm sắp tới, một kỷ lục về mức tín nhiệm đối với một vị tân Tổng thống Mỹ từ 30 năm nay”. Nhưng không quên bình luận thêm: “Có điều, trách nhiệm đặt lên vai ông Obama quá lớn, bởi vì ông lên nhậm chức đúng vào lúc mà Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ thập niên 30 của thế kỷ trước. Hơn 37 triệu dân Mỹ hiện vẫn sống dưới ngưỡng nghèo khó và 46 triệu người không được bảo hiểm y tế. Vừa giảm thuế cho người giàu, vừa tăng chi tiêu quân sự cho hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan, Tổng thống Bush đã để lại cho người kế nhiệm một ngân sách với mức thâm thủng khổng lồ 1.200 tỷ USD”.

Mặc dầu lễ nhậm chức đã kết thúc, nhưng hiện nay, Washington vẫn được đặt trong tình trạng báo động, vì trước đó có tin những thế lực khủng bố có thể đe dọa an ninh nước Mỹ trong ngày trọng đại này. Theo một bản tin chung của FBI và Bộ An ninh nội địa, các quan chức tình báo và thi hành luật Mỹ đã nhận được thông tin rằng, những người có quan hệ với al-Shabaab, một tổ chức khủng bố ở Somalia, có thể sẽ tìm cách tới Mỹ với kế hoạch phá vỡ lễ nhậm chức. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ An ninh nội địa Russ Knocke nói rằng, chưa thể xác nhận được độ tin cậy của thông tin này.

Các nhà chức trách đã tiến hành kiểm tra mọi thông tin tình báo và các đầu mối trước lễ nhậm chức của ông Obama. Họ cảnh báo rằng, sự kiện này có thể là một mục tiêu hấp dẫn đối với bọn khủng bố bởi vì đông đảo người dân đã kéo tới Washington và Obama là Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. “Chúng tôi đã nhắc công chúng phải cảnh giác tình hình chung quanh mình và thông báo với các nhà chức trách mọi hoạt động đáng ngờ”, phát ngôn viên Knocke nói.
 
Một quan chức thi hành luật nắm rõ các hoạt động an ninh cho biết, báo động xuất phát từ lời đe dọa ở Đông Phi cho thấy, không một nỗ lực nào là thừa. Cũng theo nguồn tin này, các nhà chức trách đã rất lo lắng trong vài tháng trở lại đây, song đến sáng ngày 20-1, họ cảm thấy yên tâm về công tác chuẩn bị về an ninh. Sau khi ông Obama tuyên thệ và phát biểu nhậm chức, mức độ báo động khủng bố vẫn được giữ nguyên ở mức Vàng.

BĂNG CHÂU (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.