Mùa khô đã bắt đầu ở Campuchia nhưng khắp nơi vẫn còn mênh mông nước. Nước chảy rào rào ở các cửa cống, nghe như tiếng gió vi vu. Dường như trên đất nước này đâu cũng có những dòng kênh, nơi trẻ con đùa nghịch và các bác nông dân buông lưới tìm những chú cá bé tí hoặc rửa ráy những chiếc xe gắn máy sản xuất tại Trung Quốc.
Do hệ thống thủy lợi chưa được khôi phục đều khắp nên sản lượng lúa của Campuchia khá thấp. |
Những cựu lãnh tụ Khmer Đỏ luôn bị ám ảnh phải xây đập, đào kênh và hồ chứa nước. Trong thời gian cầm quyền ngắn ngủi, họ đã thực hiện hàng trăm dự án thủy lợi với tham vọng làm sống lại quá khứ vinh quang nhưng huyền hoặc của Campuchia như là vùng đất diệu kỳ của sản xuất nông nghiệp. Trong một nghiên cứu mới đây về hệ thống thủy lợi của đất nước Chùa Tháp, nhà nghiên cứu Jeffrey Himel xác nhận: “Chưa có một chính thể hiện đại nào đề cao và tiêu tốn nguồn lực vào việc phát triển thủy lợi như Khmer Đỏ. Khmer Đỏ đã lùa hết dân chúng ra khỏi các thành phố và đô thị, và trong thực tế đã đưa toàn bộ dân số đi trồng lúa và đào kênh”.
Theo một khảo sát của Liên Hiệp Quốc vào đầu thập niên 1990, khoảng 70% hệ thống thủy lợi hiện nay của Campuchia với hơn 800 mạng lưới kênh mương, được xây dựng dưới thời Khmer Đỏ. Nhiều hệ thống trong số đó được thiết kế rất kém – là những “sự phi lý về thủy động học” – như nhận xét của Alain Goffeau, một chuyên gia thủy lợi làm việc cho Ngân hàng Phát triển châu Á. Nhưng đa số các hệ thống này đã hoạt động được.
*
Đối với những người Campuchia lớn tuổi, công trình thủy lợi thời Khmer Đỏ thường gắn với những kỷ niệm đau buồn. Những người như ông Loh Thoeun, nông dân, 61 tuổi, không thể nào quên được những sọt đất đè nặng trên đầu, giờ này qua giờ khác. Ông không quên những nỗi kinh hoàng khi thấy từng đoàn nông dân, tay bị trói chặt sau lưng, “bị lôi đi như súc vật” để rồi không bao giờ trở về nữa. Ông nhớ như in các gia đình Hồi giáo láng giềng bị ném xuống giếng chỉ vì đào đất “không đạt năng suất”. Những người đốc công chỉ huy dự án thủy lợi ở vùng Baray này đều bị giết sau khi công trình hoàn thành. Ông Loh Thoeun kể, hồi ấy ông đã từng nhìn thấy Pol Pot đi thị sát công trường thủy lợi trên cái mà ông gọi là “xuồng cao tốc”.
Dòng kênh ở làng Baray lúc nào cũng đông vui. |
“Tôi làm như một nô lệ”, ông Ang Mongkol nhớ lại. Giờ đây, ông Ang là cục trưởng một cơ quan thuộc Bộ Nội vụ Campuchia nhưng lúc Khmer Đỏ chiếm Phnom Penh ông còn là sinh viên trường luật, bị đưa đi đào mương ở miền quê. Lúc ấy, ông được giao phụ trách một dự án thử nghiệm sử dụng nước kênh để tưới những cánh đồng trồng lúa lai, hứa hẹn cho năng suất cao gấp bốn lần các giống lúa truyền thống ở địa phương. Vì lúc ấy chỉ 20% đồng ruộng ở Campuchia có nước thủy lợi nên năng suất lúa chỉ bằng một nửa so với Việt Nam và một phần ba so với Trung Quốc.
Hệ thống kênh mương ở Baray, cũng như ở nhiều nơi khác trên đất nước Campuchia, chỉ hoạt động được một thời gian sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ. Vào khoảng giữa thập niên 1980, nhiều con kênh đã khô cạn do thiếu sự chăm sóc.
*
Đến năm 2005, Chính phủ Campuchia mới bắt đầu các kế hoạch khôi phục thủy lợi. Hiện nay, các hệ thống kênh mương này bắt đầu sống lại nhờ nỗ lực của Chính phủ và các tổ chức quốc tế. Chính phủ Campuchia hy vọng, thủy lợi sẽ giúp gia tăng sản lượng nông nghiệp vào lúc nhu cầu lúa gạo của thế giới tăng không ngừng. Ngân hàng Phát triển châu Á đang cho Campuchia vay nhiều tiền để khôi phục hàng chục hệ thống kênh mương; các Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có những chương trình tài trợ tương tự.
Tiến sĩ Harry Nesbitt, chuyên gia của dự án hợp tác Campuchia – Viện Lúa quốc tế IRRI và Úc (CIAP), làm việc trên một cánh đồng ở Campuchia. |
Ông Loh Thoeun hy vọng rằng, với hệ thống thủy lợi mới hồi sinh, sản lượng lúa có thể tăng gấp đôi, gấp ba. “Tôi thường kể cho con cháu nghe chuyện quá khứ. Tôi bảo chúng, chúng ta có nước nhờ những con kênh được nhân dân xây dựng. Và nhiều người đã chết vì nó”, ông Loh nói.
Trong những công nhân đang làm việc cho hệ thống thủy lợi làng Baray có bà Sim Vy, 48 tuổi. Ngày còn niên thiếu, bà đã bị Khmer Đỏ bắt đi đào kênh; việc của bà là gánh đất từ dưới lòng kênh lên đắp các bờ mương. Người ta bảo, bà làm việc vì sự vinh quang của đất nước nhưng đổi lại, bà chỉ nhận được roi vọt và những lời mắng chửi.
Bây giờ bà được trả mỗi tháng một khoản tiền tương đương một triệu đồng Việt Nam. “Tôi thích làm việc kiểu này hơn”, bà Sim Vy nói.
HUỲNH HOA (Theo New York Times)