.
Thế giới tuần qua

Đã có tín hiệu vui?

.

Sau chiến dịch quân sự kéo dài 22 ngày đêm, trước sức ép của dư luận quốc tế, cuối cùng, Israel cũng đã tuyên bố ngừng bắn đơn phương tại Dải Gaza. Mặc dù chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng cuộc chiến đã cướp đi hơn 1.200 sinh mạng người dân Palestine và biến khu vực này thành những đống đổ nát.
 

Israel vẫn tiếp tục không kích vào Dải Gaza trước khi đưa ra lệnh ngừng bắn đơn phương.

Tuyên bố ngừng bắn đơn phương của Israel được xem là một tín hiệu vui, nhằm ngăn chặn một thảm họa nhân đạo lan rộng không chỉ cho những người dân Palestine mà còn cho cả khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, niềm vui vẫn chưa thực sự trọn vẹn, bởi mọi diễn biến xấu vẫn còn để ngỏ. Israel đã tuyên bố, quân đội nước này vẫn tiếp tục ở lại Gaza và sẽ đáp trả nếu Hamas gây chiến. Trong khi đó, tại Gaza, người phát ngôn của Hamas, Fawzi Barhoum cho biết: “Một lệnh ngừng bắn đơn phương không có nghĩa là chấm dứt gây hấn và kết thúc vây hãm”.

Phát biểu sau cuộc họp nội các an ninh cuối tuần qua, Thủ tướng Israel Emud Olmert đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức chiến dịch tấn công, nhưng khẳng định rằng, quân đội nước ông sẽ vẫn đóng tại Gaza, để tiếp tục chiến dịch nếu Israel vẫn bị pháo kích từ Hamas. Ông nói: “Vào lúc 2 giờ sáng ngày 18-1 (tức 0 giờ GMT), chúng ta sẽ ngừng bắn phá, nhưng chúng ta sẽ tiếp tục được triển khai ở Gaza và khu vực chung quanh. Chúng ta đã đạt được tất cả các mục tiêu của cuộc chiến, và thậm chí còn hơn cả thế. Nếu kẻ thù của chúng ta quyết định chống lại và tiếp tục gây chiến, quân đội Israel sẽ tự động được phép đáp trả”.

Có thể nói rằng, kết quả có được từ lệnh ngừng bắn đơn phương của Israel chính là nỗ lực của các cuộc tiếp xúc giữa Ai Cập và Israel trong 24 giờ vừa qua. Lệnh ngừng chiến được phía Israel đơn phương thực hiện vì Tel Aviv đã bác bỏ cả hai yếu tố chủ chốt trong kế hoạch do Cairo đề nghị. Israel cho biết, họ phản đối mọi lệnh ngừng bắn kèm theo giới hạn thời gian và yêu cầu lực lượng của chính quyền Palestine phải có mặt tại cửa khẩu Rafah qua Ai Cập.

Chính quyền Tổng thống Mỹ George W.Bush đã hoan nghênh quyết định của Israel, và thúc giục hai bên chấm dứt các hành động gây chiến ngay lập tức. Trong một tuyên bố đưa ra ngay sau thông báo của Thủ tướng Israel Ehud Olmert, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice nói rằng, mục tiêu cuối cùng vẫn là một lệnh ngừng bắn lâu dài được tất cả các bên tôn trọng. “Một lệnh ngừng bắn lâu dài và được tôn trọng đầy đủ sẽ mang đến ổn định và bình thường hóa ở Gaza”. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng hoan nghênh quyết định này, nhưng kêu gọi Israel nhanh chóng rút quân khỏi Gaza.

Các khu nhà ở phía bắc Dải Gaza bị phá hủy sau các đợt không kích của Israel.
Theo Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, người đã rất nỗ lực cho một thỏa thuận ngừng bắn song phương Israel-Hamas, chỉ một lệnh ngừng bắn vô điều kiện là đủ, và kêu gọi quân đội Israel rút khỏi Gaza. Cũng trong ngày hôm qua (18-1), ông Mubarak và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đồng chủ tọa cuộc họp thượng đỉnh về Gaza ở khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh của Ai Cập với sự tham gia của một loạt nhà lãnh đạo châu Âu, quốc vương Jordan và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban ki-Moon.

Tuy nhiên, trước động thái mới của Israel, Hamas vẫn tuyên bố sẽ không chấp nhận sự hiện diện dù chỉ một binh sĩ Israel trên vùng lãnh thổ này. Tổng thống Palestine Mahmud Abbas cũng khẳng định, tiếp theo lệnh ngừng bắn là phải rút quân hoàn toàn khỏi Gaza. Từ Libăng, lãnh đạo Hamas Osama Hamdan, cho rằng: “hoặc là các điều kiện của chúng tôi được lắng nghe, hoặc chúng tôi tiếp tục chiến đấu”. Theo người phát ngôn của Hamas, Fawzi Barhoum, thì vẫn còn những điều cấu thành những hành động chiến tranh, vì vậy, không có nghĩa là ngừng kháng chiến.

Hamas sẽ không chấp nhận sự hiện diện của bất kỳ lính Israel nào ở Gaza. Israel phải ngừng ngay mọi hành động gây hấn, rút quân hoàn toàn khỏi Gaza, dỡ bỏ lệnh phong tỏa và mở cửa biên giới. Vì vậy, sẽ không có bảo đảm nào cho một cuộc chiến kết thúc nếu Hamas vẫn tiếp tục hành động bắn rocket, và quân đội Israel lại tiếp tục đáp trả. 
                        
BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.