.

Bất ổn lại bao trùm Thái Lan

.

Những người biểu tình Thái Lan mặc áo đỏ tiến tới tòa nhà Chính phủ để đưa ra các yêu sách với Chính phủ của Thủ tướng Abhisit.

Sau thời gian chưa đầy một tháng tạm lắng, chính trường Thái Lan cuối tuần qua đã bùng phát trở lại, đẩy nước này đứng trước nguy cơ bất ổn chính trị gia tăng. Khác với các cuộc biểu tình vào cuối năm 2008 của phe áo vàng thuộc Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD), thì đầu năm nay, các cuộc tuần hành là những người biểu tình thuộc phe áo đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Tuy nhiên, chiến thuật mà họ sử dụng lần này cũng giống như PAD - nhóm đã chiếm đóng tòa nhà Chính phủ trong 3 tháng hồi năm 2008.

Khoảng 10.000 người biểu tình chống Chính phủ ở Thái Lan do Mặt trận Dân chủ Thống nhất chống Độc tài (UDD) đứng đầu, đã phá vỡ tất cả các chướng ngại vật của cảnh sát và quân đội để tiến vào bao vây Tòa nhà Chính phủ ở trung tâm Bangkok. UDD đã đưa ra 3 tối hậu thư dành cho Thủ tướng Abhisit Vejjajiva giữa lúc ông này đang tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ: Sa thải Ngoại trưởng Kasit Piromya,  giải tán Hạ viện và trừng phạt Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) vì đã tham gia phong tỏa các sân bay ở Bangkok hồi tháng 11-2008.

Các lãnh đạo UDD tuyên bố, nếu Chính phủ không chấp nhận các yêu sách trên, họ sẽ lại phát động biểu tình trên đường phố. Sau đó, người biểu tình rút khỏi Tòa nhà Chính phủ và trở về Quảng trường Sanam Luang, nơi họ tập trung tuần hành từ chiều ngày 31-1. Các quan chức cấp cao của Bangkok và văn phòng cảnh sát quốc gia Thái Lan đã tổ chức một cuộc họp để đánh giá tình hình.
 
Họ kết luận rằng, tình hình không quá nghiêm trọng vì UDD tổ chức tuần hành một cách hòa bình và không có bạo lực nổ ra. Theo ước tính của cảnh sát, tổng cộng có khoảng 10.000 người ủng hộ UDD đã tham gia biểu tình từ chiều ngày 31-1. Họ mặc áo đỏ để thể hiện lập trường ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Trước khi UDD kéo tới Tòa nhà Chính phủ, Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, người chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh cho biết, ông đã báo cáo tình hình cho Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và khẳng định không có gì phải lo lắng. Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuba tuyên bố, Chính phủ sẽ không giải tán Hạ viện. Ông cũng nhấn mạnh rằng, không có vấn đề gì nếu UDD lại phát động một cuộc tuần hành rộng khắp lần nữa và cảnh sát sẽ chỉ bắt giữ những người vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, Trung tướng Suchart Mueankaoe, Tư lệnh cảnh sát thủ đô Bangkok nói rằng: 5.250 sĩ quan cảnh sát sẽ giám sát sự kiện trên. Cảnh sát sẽ triển khai 35 đại đội với 22 đại đội dự phòng và chúng tôi đã phối hợp với quân đội. Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan cũng tuyên bố, quân đội sẵn sàng hỗ trợ cảnh sát nếu được yêu cầu. Tuy nhiên, ông Wongsuwan hy vọng rằng, cuộc tuần hành sẽ không có bạo lực và những người biểu tình sẽ không chiếm đóng tòa nhà Chính phủ hay gây bất kỳ tổn thất nào cho tài sản quốc gia.

Thái Lan lâm vào khủng hoảng chính trị từ khi Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Các cuộc biểu tình liên miên sau đó khiến 3 đời thủ tướng thân Thaksin nữa phải ra đi. Và liệu những người biểu tình UDD có tràn vào Tòa nhà Chính phủ và cướp phá các văn phòng giống như người biểu tình PAD đã làm hồi năm ngoái, vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ, bởi hầu hết người dân Thái Lan hiện nay đều mong muốn vượt qua khó khăn và chia rẽ để tiến lên phía trước, đồng thời mong muốn có một Chính phủ trung thực, liêm khiết và làm việc hết mình.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2009, ông Abhisit Vejjajiva bày tỏ tin tưởng: Nếu Chính phủ tiếp tục làm đúng những gì như đã thể hiện trong tháng đầu tiên cầm quyền vừa qua, sẽ không có điều gì đáng lo ngại.
                                        
BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.