.
Chuyến công du đầu tiên của tân Ngoại trưởng Mỹ tới châu Á:

Không đưa ra một thay đổi lớn nào về chính sách

.

Các đời ngoại trưởng Mỹ trước đây thường tới châu Âu hoặc Trung Đông ngay sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, theo giới phân tích, chuyến công du đầu tiên của tân Ngoại trưởng Hillary tới châu Á, bao gồm các nước Nhật, Indonesia, Hàn Quốc và Trung Quốc từ hôm 15-2, cũng chỉ được xem là một hành động tượng trưng nhằm làm yên lòng các nước đồng minh và bạn bè của Mỹ về thế đứng của họ.

Ngoại trưởng Hillary chọn châu Á làm nơi công du đầu tiên.

Khẳng định mục đích chuyến đi của mình, bà Hillary tuyên bố trước các phóng viên rằng: “Điều quan trọng là phát đi tín hiệu rằng, chúng tôi muốn phát triển mối quan hệ rộng hơn, sâu hơn với không chỉ những nước tôi sẽ tới thăm mà cả với những quốc gia trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi tin rằng, tương lai của chúng tôi sẽ là gắn bó chặt chẽ”. Theo kế hoạch, trong cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia, tân Ngoại trưởng Mỹ sẽ nêu hàng loạt vấn đề toàn cầu, gồm cả khủng hoảng tài chính và thay đổi khí hậu.

Tuy nhiên, đằng sau những tuyên bố trên, phần quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của bà Hillary tại Tokyo, Seoul và Bắc Kinh vẫn là nỗ lực thuyết phục CHDCND Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Hillary cho biết, chính quyền Mỹ sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với CHDCND Triều Tiên và thậm chí sẽ tăng cường trợ giúp đối với quốc gia này. Điều kiện mà Ngoại trưởng Hillary Clinton đưa ra kèm theo ý tưởng này là Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình. “Nếu CHDCND Triều Tiên thực sự chuẩn bị để giải trừ vũ khí hạt nhân, thì chính quyền Obama sẵn sàng bình thường hóa quan hệ song phương”.

Trước đó, trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách ngoại giao ở New York, bà Hillary Clinton từng kêu gọi Triều Tiên không “hành động khiêu khích” có thể gây ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân. Chuyến thăm của bà diễn ra trong thời điểm có nhiều lời đồn đoán từ báo chí châu Á rằng, Bình Nhưỡng chuẩn bị thử tên lửa tầm xa và có thể bắn thử vào cuối tháng 2-2009. Ngoại trưởng Mỹ mô tả chương trình hạt nhân của Triều Tiên là thách thức lớn tới sự ổn định của Đông Bắc Á, và các quốc gia trong vòng đàm phán 6 bên cần nỗ lực để giải quyết vấn đề này. Bà cũng nhấn mạnh, Mỹ sẽ thuyết phục Bình Nhưỡng làm theo cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy nhượng bộ về ngoại giao và trợ giúp kinh tế.

Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh, Washington mong muốn cộng tác hiệu quả hơn với Trung Quốc, dù nhiều người coi Trung Quốc đối nghịch với Mỹ. Chính quyền Obama đang tìm cách tái tạo cách tiếp cận trước đây đối với Bắc Kinh, mở rộng quan hệ theo hướng kinh tế và xử lý cắt giảm khí thải. Theo bà Hillary, hai nước vẫn có nhiều cơ hội phát triển quan hệ tốt đẹp trong các vấn đề như thay đổi khí hậu và năng lượng sạch.
 
Bên cạnh đó, chính quyền mới của Mỹ muốn củng cố quan hệ đồng minh truyền thống với Tokyo và Seoul với ý nghĩa, đây là những nền tảng an ninh châu Á - Thái Bình Dương. Bà Hillary dự định sẽ ký một thỏa thuận với Nhật về việc chuyển 8.000 lính hiện đang đóng ở Okinawa, Nhật về Guam, Mỹ. Tại Indonesia, bà Hillary thông báo về việc nâng cấp quan hệ giữa Mỹ với ASEAN, tổ chức khu vực thường bị chính quyền Bush coi nhẹ.

Mặc dù tân Ngoại trưởng Mỹ Hillary cho rằng, “cần thiết” phải theo đuổi các cuộc hội đàm 6 bên bàn cách giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nhưng theo giới phân tích, chuyến công du đầu tiên của bà Hillary tới khu vực này không đưa ra một thay đổi lớn nào về chính sách. Trong khi một số cố vấn Mỹ khuyên bà Hillary Clinton nên sớm công du châu Á để thể hiện rằng, chính phủ mới của Mỹ có bước tiến cân bằng đối với châu Á và châu Âu, thì giới phân tích vẫn cho rằng, các nước chủ nhà đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ có lẽ sẽ không thấy bất cứ sự thay đổi lớn nào so với thời của chính quyền Bush.
 
Điều này cũng có cơ sở, bởi bà Hillary từng khẳng định rằng, chính quyền Obama sẽ không thay đổi lập trường so với thời Bush, sau khi có những lo ngại về những thách thức an ninh lớn trong khu vực này đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
                                        
BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.