.
Chuyện của VIP

Chính trường Nhật Bản nổi sóng

.

Việc Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shoichiro Nakagawa từ chức ngày 17-2 vì say xỉn tại Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cuối tuần qua ở Rome (Italia) là một đòn mạnh giáng vào Thủ tướng Taro Aso khiến nội các nước này bị chao đảo.

Vụ bê bối của Bộ trưởng Tài chính Shoichi Nakagawa (trái) khiến áp lực càng đè nặng lên Thủ tướng Taro Aso (phải). (Ảnh: AP)

Mặc dù Thủ tướng Taro Aso đã quyết định Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách Tài chính Kaoru Yosano sẽ kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Tài chính thay ông Nakagawa nhưng tỷ lệ ủng hộ người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản từ 17,4% hồi tháng 1-2009 nay tụt xuống chỉ còn 9,7%. Giới quan sát cho rằng, mức ủng hộ này dường như sẽ làm gia tăng sức ép yêu cầu Đảng Dân chủ Tự do (LPD) cầm quyền thay thế ông Aso trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử trong năm nay. Tỷ lệ ủng hộ sụt giảm cũng xuất phát từ một loạt sai lầm và thay đổi chính sách trong bối cảnh ông Aso phải đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế ngày càng trầm trọng, Quốc hội chia rẽ…

Tuần trước, cựu Thủ tướng được lòng dân Junichiro Koizumi đã chỉ trích những sai lầm và sự thay đổi lập trường liên tục của đương kim Thủ tướng Taro Aso, nhất là những tuyên bố chống lại việc tư nhân hóa hệ thống bưu chính khổng lồ của Nhật Bản. Tư nhân hóa hệ thống bưu chính vốn là mục tiêu cải cách hàng đầu của cựu Thủ tướng Koizumi trong nhiệm kỳ 2001-2006 và là chủ đề chính trong cuộc bầu cử năm 2005, giúp liên minh cầm quyền giành thắng lợi lớn.

Đồng thời, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các quan chức Nhật Bản cũng đã thừa nhận nền kinh tế lớn nhất châu Á này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II. Văn phòng Nội các Nhật Bản đã công bố báo cáo sơ bộ về tình hình phát triển kinh tế, trong tài khóa 2008 - kết thúc vào tháng 3-2009, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến sẽ giảm 0,7% so với tài khóa 2007. Đây là lần đầu tiên trong vòng 9 năm qua, GDP của Nhật Bản tăng trưởng âm. Riêng trong quý 3 của năm 2008, tỷ lệ tăng trưởng giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nắm quyền lãnh đạo vào cuối tháng 9-2008, ông Aso là Thủ tướng thứ ba trong vòng 2 năm ở đất nước mặt trời mọc, khi 2 người tiền nhiệm của ông buộc phải ra đi do đối mặt với sự bế tắc ở Quốc hội. Phe đối lập chiếm đa số ở Thượng viện đang dồn sức nhằm phong tỏa việc thông qua các dự luật mà đảng cầm quyền đề xuất và đòi tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn. Áp lực đang đè nặng lên Thủ tướng Taro Aso.

PHÚC NGUYÊN

 

;
.
.
.
.
.