.

Khatami – Thách thức lớn với Tổng thống Iran

.

Sau khi Phó Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố về những thay đổi trong chính sách ngoại giao của Mỹ, trong đó có Iran, cựu Tổng thống Mohammad Khatami, người đã thúc đẩy chính sách giảm bớt căng thẳng với phương Tây khi còn đương chức giai đoạn 1997 - 2005, đã tuyên bố sẽ tranh cử chức Tổng thống Iran vào tháng 6 tới. Ông nói: “Tôi chính thức thông báo, tôi sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống của Iran vào ngày 12-6 tới”.

Tuyên bố tranh cử của cựu Tổng thống Mohammad Khatami (trái) sẽ là một thách thức lớn đối với Tổng thống Ahmadinejad.

Ông Khatami cho biết, sẽ quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sắp tới, vì ông không muốn giữ im lặng mãi trước tình hình hiện nay của Iran. Tuyên bố này mang lại thêm một sự lựa chọn cho các cử tri. Họ có thể chọn lựa giữa ông Khatami và   Tổng   thống   đương   nhiệm Mahmoud Ahmadinejad. “Khatami sẽ là một thách thức lớn đối với Ahmadinejad”, Saeed Laylaz, một nhà phân tích ở Tehran nói.

Tuy nhiên, Laylaz cũng dự đoán, việc ra ứng cử của ông Khatami có thể làm tăng thêm tình đoàn kết giữa những người ủng hộ Tổng thống Ahmadinejad. Cuộc bầu cử tại Iran đang được quốc tế đặc biệt quan tâm, bởi Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đó đã đề xuất chìa bàn tay hòa bình, nếu Tehran “nhả nắm đấm”. Đề xuất của tân Tổng thống Mỹ cũng được cho là nguyên nhân khiến cựu Tổng thống Khatami quyết định ra tranh cử.

Ông Khatami không công khai bình luận gì về chiến thắng của ông Obama hồi tháng 11 năm ngoái, nhưng trong suốt chuyến thăm Mỹ năm 2006, ông đã nói rằng, quan hệ giữa Mỹ và Iran sẽ được giải quyết thông qua các cuộc đối thoại. Một số nhà phân tích cho rằng, Washington có lẽ sẽ đợi kết quả bầu cử trước khi đưa ra những đề xuất chi tiết với Iran. Trong khi đó, Iran đã đưa ra những điều kiện đối thoại khó khăn - động thái được coi là trì hoãn nhằm chờ cuộc bầu cử tới.

Cuộc bầu cử sẽ không quyết định được chính sách ở nước Cộng hòa Hồi giáo này, nơi lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei có tiếng nói cuối cùng. Tuy nhiên, Tổng thống có thể gây ảnh hưởng tới cách hành động của Iran, vì ông Khamenei có xu hướng tìm kiếm sự nhất trí giữa các chính trị gia. Mohammad Ali Abtahi, một Phó Tổng thống dưới thời ông Khatami nhận định: “Mọi người cảm thấy cần thay đổi trước những chính sách đối ngoại và kinh tế của ông Ahmadinejad. Do vậy, chúng tôi nghĩ, cử tri sẽ bỏ phiếu cho ông Khatami để thay đổi. Với việc ông Khatami tham gia tranh cử, cuộc bầu cử sẽ bị phân cực”.

Tổng thống Ahmadinejad đã bị chỉ trích mạnh mẽ về chính sách kinh tế và lạm phát tăng vọt tới gần 30% trong năm 2008. Phe chủ trương cải cách nói rằng, các bài diễn văn về chính sách đối ngoại hung hăng của ông đã khiến cho Iran ngày càng bị cô lập. Phương Tây cáo buộc, Iran tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân, trong khi nước này quả quyết chương trình hạt nhân chỉ nhằm mục đích sản xuất điện năng. Việc Iran không thuyết phục được các cường quốc về ý định hòa bình này đã dẫn tới ba lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Khi còn là Tổng thống Iran, ông Khatami đã tìm cách giảm bớt căng thẳng trong quan hệ của Iran với nước ngoài, cũng như tìm cách thay đổi chính trị và xã hội trong nước. Phe theo đường lối cứng rắn đã ngăn chặn nhiều cuộc cải cách của ông, chẳng hạn như luật nới lỏng hạn chế đối với báo chí. Một số người ủng hộ ông Khatami cũng đã vỡ mộng vào cuối nhiệm kỳ của ông. Họ nói rằng, lẽ ra ông nên làm nhiều hơn để thúc đẩy cải cách. Trong khi đó, những người ủng hộ Tổng thống đương nhiệm tuyên bố, họ sẽ không bao giờ chấp nhận những người theo chủ nghĩa cải cách lên nắm chính quyền thêm một lần nữa.

Theo các nhà phân tích, kết quả bầu cử sẽ phụ thuộc vào việc liệu ông Ahmadinejad có giữ được sự ủng hộ của lãnh đạo tối cao Khamenei hay không. Ông Khamenei đã công khai ca ngợi Tổng thống Ahmadinejad. Những lời nói của ông Khamenei có thể ảnh hưởng tới hàng triệu người. Ông Ahmadinejad cũng có thể kêu gọi sự ủng hộ của những người nghèo, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi tác động của chính sách chi tiêu là rõ rệt nhất.                 

BĂNG CHÂU (Theo AP, AFP, Huffingtonpost)

;
.
.
.
.
.