.

Khủng hoảng kinh tế có thể dẫn tới bất ổn xã hội

.

Trong tuần qua, sau khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) kết thúc mà không đưa ra được một giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang lan rộng, thì những dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới càng phủ thêm bóng mây đen lên bức tranh kinh tế thế giới vốn đã ảm đạm.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, lãnh đạo các nền kinh tế thế giới có cái nhìn đầy bi quan vào năm 2009.

Trả lời phỏng vấn trên tờ Die Welt, ông Pascal Lamy, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có thể gây ra bất ổn chính trị như những gì từng thấy hồi những năm 1930. Ông Pascal Lamy nhận định: “Khủng hoảng hiện nay đang lan rộng, thậm chí còn nhanh hơn cả thời Đại suy thoái và cùng lúc ảnh hưởng tới nhiều quốc gia hơn”.

Khi được hỏi về nguy cơ bất ổn chính trị, ông Lamy đáp: “Đó là mối đe dọa lớn nhất. Khủng hoảng sẽ đè nặng lên chính trị và đặt hòa bình vào nguy hiểm. Một số nền dân chủ đã vững vàng và khá ổn định có thể vượt qua những vấn đề như vậy, nhưng các nước khác sẽ phải đối mặt với bất ổn và những cuộc xung đột về tôn giáo, sắc tộc”. Ông Pascal Lamy cũng không quên cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ và cho rằng, sẽ là bất công nếu các nước đưa ra những rào cản thương mại để đối phó với sự tụt dốc của kinh tế và tài chính.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra thông báo rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay sẽ giảm xuống 0,5% - mức thấp nhất trong hơn 60 năm qua. Theo báo cáo do IMF, kinh tế thế giới sẽ gần như khựng lại. Năm 2009 sẽ là năm nhiều thách thức nhất đối với các nền kinh tế khắp toàn cầu kể từ thời Chiến tranh Thế giới thứ II. IMF cho rằng, kinh tế thế giới sẽ giảm từ 3,4% năm 2008 xuống chỉ còn 0,5% trong năm nay. Các thị trường tài chính chắc chắn sẽ vẫn căng thẳng cho đến khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng lấy lại được lòng tin vào các chính sách kích cầu của chính phủ. Các quan chức IMF nói rằng, các nền kinh tế đang trỗi dậy như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng nặng, với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chậm lại một cách đáng kể.

Viện Tài chính Quốc tế có trụ sở tại Washington nhận định, mặc dù có hệ thống ngân hàng và tài chính khá vững chắc, với trữ lượng ngoại tệ cao, nhưng các nước đang trỗi dậy tại châu Á sẽ hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, thậm chí còn hơn cả thời kỳ năm 1997-1998. Bản báo cáo của IMF còn đưa ra cảnh báo, triển vọng còn tệ hại hơn cho các nền kinh tế đã phát triển, với các nền kinh tế của châu Âu và Nhật Bản sụt giảm ít nhất 2%. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, hơn 50 triệu người có thể mất việc trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp từ 6% (năm 2008) sẽ lên mức 7,1% vào cuối năm nay. ILO gọi đó là một cuộc khủng hoảng có thể dẫn tới tình trạng bất ổn xã hội.

Điều đáng buồn hơn là những gì mà người ta mong chờ vào sự chung sức của các nhà lãnh đạo thế giới cho một giải pháp hồi phục kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2009 đã không có kết quả tốt đẹp, khi mà hội nghị kết thúc trong bầu không khí nặng nề và bi quan. Một cuộc thăm dò cho thấy, chỉ có 1/5 các lãnh đạo doanh nghiệp lớn trên thế giới tỏ ra lạc quan, còn tuyệt đại đa số lo ngại cho triển vọng năm 2009. Mặc dù chủ đề chính thức của diễn đàn năm nay là “Định hình thế giới sau khủng hoảng”, song vấn đề này lại được đưa ra quá sớm.

Hơn thế, các cuộc thảo luận đã chứng tỏ sự không chắc chắn giữa các chính trị gia và các lãnh đạo doanh nghiệp, khi họ tìm cách xác định mức độ của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay và tìm cách thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đó. Không một đại biểu nào tại Davos bác bỏ dự báo rằng, kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái sâu và kéo dài. Một nhà quản lý thị trường tiền tệ đã nói: “Nếu bạn tin rằng, kinh tế thế giới sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn vào cuối năm nay hoặc trong quý đầu của năm 2010, tôi nói với bạn rằng, điều đó sẽ không xảy ra và thậm chí chúng ta không biết khi nào thì giai đoạn khó khăn sẽ qua đi”.

Trước đó, người ta vẫn giữ được chút lạc quan vì vẫn còn  những hy vọng như sự kiện ông Barack Obama - một nhân vật có sức truyền cảm hứng mãnh liệt - tiếp quản Nhà Trắng cũng như hàng loạt kế hoạch kích cầu và các gói cứu trợ kinh tế của Mỹ và nhiều nước khác. Tuy nhiên, khi bước vào năm mới được 1 tháng, sự lạc quan ít ỏi đó đã tan nhanh.

Giữa lúc các kế hoạch cứu trợ và kích cầu của các nền kinh tế lớn chưa phát huy tác dụng đúng với sự kỳ vọng, thì niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới vào đầu năm tới là khó thành hiện thực. Cựu lãnh đạo Ngân hàng Thế giới Joseph Stiglitz cho rằng, việc đưa nền kinh tế trở lại ổn định là “không dễ dàng”. Trong khi đó, báo cáo của IMF cũng nêu rõ: “Sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế là không thể có, chừng nào chưa tái lập được chức năng của khu vực tài chính”.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.