.

Kinh tế Mỹ sẽ mạnh lên sau cuộc khủng hoảng

.

Đúng 9 giờ 15 sáng 25-2 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Obama đã có bài diễn văn quan trọng đầu tiên trước hai viện của Quốc hội Mỹ. Trong bài phát biểu, Tổng thống Obama tuyên bố, Mỹ sẽ hồi phục và mạnh lên sau cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Phó Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vỗ tay tán dương bài phát biểu của Tổng thống Obama.

Ông nói: “Trong khi nền kinh tế của chúng ta có thể bị suy yếu và lòng tin của chúng ta bị lung lay, và mặc dù chúng ta đang trải qua thời kỳ khó khăn và bất ổn, tôi muốn mọi người Mỹ biết điều này: Chúng ta sẽ tái thiết, sẽ phục hồi và nước Mỹ sẽ mạnh lên hơn bao giờ hết. Gánh nặng của cuộc khủng hoảng sẽ không phá hủy được vận mệnh của đất nước này.

Câu trả lời đối với các vấn đề không vượt quá tầm tay của chúng ta. Chúng tồn tại trong trường đại học và các phòng thí nghiệm, trên các cánh đồng và nhà máy của chúng ta, trong trí tưởng tượng của các thương nhân và niềm tự hào của những người lao động cần cù trên trái đất này... Điều cần thiết đối với nước Mỹ hiện nay là chúng ta phải đoàn kết, dũng cảm đối mặt với mọi thách thức và chịu trách nhiệm về tương lai của chúng ta một lần nữa”.

Theo Obama, kế hoạch kích thích kinh tế của ông - bao gồm các nỗ lực nhằm cứu vãn hoặc tạo ra 3,5 triệu việc làm - sẽ giúp phục hồi sự tăng trưởng. Và một kỷ nguyên chi tiêu phung phí phải chấm dứt. Ông Obama cũng ca ngợi Quốc hội đã thông qua kế hoạch kích thích kinh tế mà ông nói là sẽ tái sinh nước Mỹ và giúp cắt giảm thuế cho 95% người Mỹ bắt đầu từ ngày 1-4 tới.

Gói kích thích kinh tế trị giá 789 tỷ USD được hai viện của Quốc hội thông qua gần đây cho phép sử dụng ngân sách liên bang cho các dự án tái thiết, chăm sóc y tế, phát triển năng lượng thay thế và các chương trình bảo vệ môi trường. Trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống Obama cũng đưa ra một kế hoạch mua lại các ngân hàng trị giá ít nhất 1,5 nghìn tỷ USD và kế hoạch hỗ trợ những người sở hữu nhà hiện đang vật lộn với các khoản thế chấp.

Ông chủ Nhà Trắng đã nhận được tràng pháo tay hoan nghênh nhiệt liệt khi ông nói với Quốc hội rằng, các ngân hàng và giám đốc ngân hàng nhận tiền từ ngân sách liên bang phải có trách nhiệm với số tiền đó, và rằng không thể để lãng phí tiền thuế. “Những ngày đó đã qua rồi. Đây không phải là việc trợ giúp các ngân hàng mà là trợ giúp người dân”.

Bài phát biểu của ông Obama diễn ra chỉ vài ngày trước khi ông Obama trình dự thảo ngân sách đầu tiên lên Quốc hội. Khoản thâm hụt mà Obama thừa hưởng khi nhậm chức hồi tháng trước là trên 1 nghìn tỷ USD. Thâm hụt ngân sách khổng lồ khiến cuộc cải cách trên diện rộng càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ông Obama đã cam kết cải tổ và cải thiện hệ thống trường học quốc gia, đồng thời tăng số sinh viên theo học giáo dục bậc cao. Tân Tổng thống còn tái khẳng định cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn một nửa vào cuối nhiệm kỳ, và rằng các quan chức đã bắt đầu rà soát ngân sách liên bang để loại bỏ những khoản chi tiêu lãng phí và không hiệu quả.

Mặc dù phần lớn bài phát biểu của ông tập trung vào các vấn đề trong nước, nhưng Tổng thống Obama cũng đề cập tới những vấn đề chính sách ngoại giao then chốt mà chính quyền của ông phải đối mặt. Đó là việc xem xét lại các sứ mệnh của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, để sớm đưa ra kết quả. Ông Obama cũng cam kết một chiến lược mới và toàn diện cho Afghanistan và Pakistan, nhằm đánh bại al-Qaeda và chủ nghĩa cực đoan. Tuy nhiên, ông không đề cập chi tiết tới các kế hoạch tại Iraq và cũng không nhắc tới Iran. Nhiều nhà phân tích cho rằng, chương trình hạt nhân của Iran là một thách thức lớn về ngoại giao đối với tân Tổng thống.

Một cuộc thăm dò của New York Times/CBS News cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của công chúng dành cho ông Obama hiện nay là 63%, trong khi đó, một cuộc thăm dò khác của Washington Post/ABC News là 68%.
    
BĂNG CHÂU (Theo BBC, AP, CNN)

;
.
.
.
.
.