.

Liệu “công lý có còn lẩn trốn?”

“Công lý vẫn đang lẩn trốn”, đó là lời cảnh báo của Tổ chức Quan sát nhân quyền trong thông cáo ngày 5-1-2009 về việc đã 30 năm rồi vẫn chưa có ai bị xét xử, kết tội hay nhận án cho tội ác đẫm máu nhất trong thế kỷ XX: tội ác diệt chủng của Khơme Đỏ được sự hậu thuẫn của thế lực bên ngoài !

Nhưng công lý không thể lẩn trốn mãi, tội ác rồi cũng đã được đưa ra xét xử. Ngày 17-2-2009 vừa rồi, tên đầu lĩnh tại trại S-21 khét tiếng đã chính thức bị đưa ra tòa. Duch là bị cáo đầu tiên trong nhóm 5 lãnh đạo của Khơme Đỏ sẽ bị xét xử trong phiên tòa về tội diệt chủng do Liên Hiệp Quốc và Campuchia đồng bảo trợ. Phiên điều trần xét xử Duch cũng vừa kết thúc, như lời của công tố viên Robert Petit “bản chất của phiên tòa, mục đích tối thượng của nó, là đem lại công lý cho hơn 14.000 nạn nhân tại trại S-21”.

Theo Reuters, hàng trăm nạn nhân của nạn diệt chủng đã xếp hàng để được vào phiên tòa. Có khoảng 300 phóng viên trong nước và quốc tế đăng ký để có mặt tại phiên tòa lịch sử này. Số nạn nhân trực tiếp của Duch đã thật khủng khiếp, song con số nạn nhân trên nước Campuchia đau thương dưới chế độ Pol Pot với sự dẫn dắt của thế lực bên ngoài còn khủng khiếp hơn. Ước tính, có khoảng 1/4 dân số Campuchia bị sát hại.
 
Theo trang web Trung tâm thống kê của Campuchia, có khoảng 20.000 hố chôn người, 189 nhà tù trong hơn 3 năm chế độ Pol Pot. Trong số người bị sát hại, có gần 200 nhà văn, nhà báo; 600 bác sĩ, dược sĩ; 18.000 cô giáo, giáo sư, hơn 10.000 sinh viên, hơn 1.000 nghệ sĩ… Thế mà phiên tòa chỉ được tiến hành sau hơn 10 năm đàm phán và trì hoãn giữa chính quyền Campuchia và Liên Hiệp Quốc xung quanh các vấn đề pháp lý và kinh phí cho việc xét xử.

Tuy phiên điều trần đã kết thúc chiều 18-2-2009 nhưng chưa có công bố chính thức về ngày phiên tòa xét xử tiếp, dù trước đó đã có tin sẽ bắt đầu vào cuối tháng ba. Và… công lý vẫn phải tiếp tục chờ đợi cho dù phát ngôn của phiên tòa tuyên bố trong ngày khai mạc “Đây là một ngày rất quan trọng cho Campuchia vì công lý mà họ đã chờ đợi suốt 30 năm qua giờ đang đến gần”. Liệu đã đúng là công lý thật sự đến gần khi vẫn còn những thế lực không muốn ngày ấy đến sớm?

Và rồi, lịch sử còn cần đòi công lý phải được thực hiện cho hành động cao cả của những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trên mảnh đất Campuchia khi cứu nhân dân nước này thoát khỏi họa diệt chủng. Cần nhớ rằng, nhân dân Việt Nam không phải chỉ chịu đựng hy sinh để cứu nhân dân Campuchia khi chưa kịp hàn gắn vết thương sau nửa thế kỷ chiến tranh cứu nước, mà còn phải chịu đựng áp lực bất công trước ý đồ thâm độc vu cáo Việt Nam “xâm lược” Campuchia (?).

Cần nhớ lại những ứng xử không công bằng của một số chính phủ và một số tổ chức quốc tế vào thời điểm tồi tệ ấy, thậm chí người ta còn vận động cho việc đưa Pol Pot vào Liên Hiệp Quốc (!) mới thấy rõ hơn điều đó. Thế rồi, sự thật đã được chứng minh, sau 30 năm, chính Liên Hiệp Quốc bảo trợ cho phiên tòa xét xử tội ác của Khơme Đỏ. Trong cuốn sách “Hun Sen-nhân vật xuất chúng của Campuchia” vừa xuất bản đã ghi rõ “Việt Nam ban đầu đã từ chối các đề nghị trợ giúp về quân sự do không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia ”. Trong cuốn sách đó cũng nói về sự khẳng định của Thủ tướng Hun Sen: “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chúng tôi sẽ chết”.

Với việc phiên tòa đã mở ra, cho dù để công lý không còn phải lẩn trốn đòi hỏi còn phải nhiều nỗ lực mới, nhưng những người có lương tri trên thế giới đã có đủ chứng lý để đòi hỏi công lý phải được thực hiện. Đã đến lúc, những người có lương tri trên thế giới phải công bố những ngộ nhận cũng như những vu cáo nhằm xuyên tạc lịch sử để cho thấy công lý không còn phải lẩn trốn nữa.
    
TƯƠNG LAI

;
.
.
.
.
.