.

Mỹ sẽ rút phần lớn quân khỏi Iraq vào tháng 8-2010

.
(ĐNĐT) - Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (27-2) đã tuyên bố việc rút phần lớn binh lính Mỹ ở Iraq cho đến cuối tháng 8-2010. 

 
Ông Obama nói rằng sứ mạng của Mỹ tại Iraq sẽ kết thúc vào ngày 31-8-2010. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, khoảng 35.000 đến 50.000 trong số 142.000 binh lính hiện có ở Iraq sẽ ở lại và được rút về dần dần cho đến khi toàn bộ các lực lượng của Mỹ rời khỏi Iraq vào trước ngày 31-12- 2011, hạn chót theo thỏa thuận ký kết giữa chính quyền Bush với Chính phủ Iraq hồi năm ngoái.  

"Hãy để tôi nói điều này một cách rõ ràng nhất có thể: Đến trước ngày 31-8-2010, sứ mạng của chúng ta ở Iraq sẽ kết thúc", ông Obama phát biểu tại Trại Lejeune, Bắc Carolina. Chuyến thăm của ông tới Trại Lejeune, một căn cứ Thủy quân Lục chiến của Mỹ, là chuyến thăm một căn cứ quân sự đầu tiên của ông kể từ khi tuyên thệ nhậm chức.

Các quan chức chính phủ cho biết, lực lượng binh lính ở lại sẽ có vai trò tư vấn về huấn luyện và trang bị cho các lực lượng Iraq, hỗ trợ các hoạt động dân sự và thực hiện các điệp vụ chống khủng bố. Tuy nhiên, thành công hay thất bại cuối cùng của cuộc chiến ở Iraq, Tổng thống Obama nói, sẽ còn tùy thuộc vào chính người Iraq. Mỹ "không thể giữ an ninh trật tự các đường phố của Iraq vô thời hạn cho đến chừng nào chúng thật sự an toàn". Điều đó tùy thuộc vào người Iraq, ông nói, để đảm bảo một tương lai dưới  sự lãnh đạo của một chính phủ có chủ quyền, bình ổn, và tự lực.

Tổng thống Mỹ cho biết ông đưa ra quyết định này sau khi xem xét nhiều lựa chọn mà các cố vấn quân sự và dân sự chủ chốt đã trình bày. Hiện có 142.000 binh lính Mỹ tại Iraq. Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình, ông Obama đã tuyên bố sẽ rút toàn bộ lực lượng này trong vòng 16 tháng. Như vậy, kế hoạch mà ông vừa tuyên bố sẽ kéo dài thêm 3 tháng so với lời hứa. Khi được hỏi về việc liệu binh lính Mỹ có được đưa trở lại nếu Iraq trở nên bất bình ổn sau khi rút quân, một cố vấn cấp cao cho biết Tổng thống luôn muốn một sự linh động đối với vấn đề này.

N.L (Theo CNN, BBC)
;
.
.
.
.
.