.
QUAN HỆ MỸ - TRUNG

Tăng cường đối thoại, mở rộng hợp tác

.

Mặc dầu là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến hành trình châu Á đầu tiên của tân Ngoại trưởng Hillary, nhưng Trung Quốc lại là điểm dừng chân quan trọng nhất đối với Mỹ, bởi Trung Quốc có một ảnh hưởng nhất định trong các vấn đề hợp tác về thay đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính toàn cầu và các mối đe dọa an ninh. 

Bà Hillary khẳng định với Bắc Kinh rằng, “Chúng tôi có nhiều lý do để tin rằng, Mỹ và Trung Quốc sẽ hồi phục và chúng ta sẽ cùng nhau đi đầu trong khôi phục thế giới”.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo trước chuyến đi châu Á, bà Hillary Clinton từng nhấn mạnh: “Có người cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến nước này trở thành một đối thủ, thế nhưng chúng tôi tin rằng, Mỹ và Trung Quốc là hai nước cùng có lợi và cùng thắng. Mỹ tăng cường hợp tác và mở rộng cơ hội chung với Trung Quốc trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm”. Tuyên bố của tân Ngoại trưởng Mỹ đã thể hiện thái độ khá rõ ràng của chính quyền mới của Mỹ trong việc chuyển dần mối quan hệ “vừa hợp tác vừa đấu tranh” thành “hợp tác đôi bên cùng có lợi”.

Trung Quốc không chỉ là đối tác thương mại - đầu tư lớn nhất mà còn đang nắm trong tay 700 tỷ USD công trái của Mỹ- là chủ nợ công trái lớn nhất của Mỹ. Riêng điều này đã đủ nói lên mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa siêu cường số một là Mỹ và cường quốc đang trỗi dậy là Trung Quốc.

Bà Hillary từng tuyên bố, Nhà Trắng sẽ không đi theo đường lối trước đây của chính quyền Bush vốn coi Trung Quốc là một đối thủ chứ không phải đối tác. Mỹ sẽ có cách tiếp cận mới, mạnh mẽ hơn trong các quan hệ với Bắc Kinh bằng cách tăng cường đối thoại song phương. Chính quyền Bush đã giới hạn các mối quan hệ với Bắc Kinh ở những vấn đề kinh tế hẹp, chẳng hạn như tỷ giá hối đoái.

Sau cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh, bà Hillary cho biết, Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu thảo luận về nhiều vấn đề “bằng một tiền đề là hai bên cần phải có một mối quan hệ mang tính chất hợp tác và tích cực”. Bà đã trình bày những lĩnh vực mà Washington muốn bắt tay làm việc với Trung Quốc, kể cả việc đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và giảm bớt tác động của nạn biến đổi khí hậu.

Bà cũng nói rằng, Trung Quốc và Mỹ sắp sửa thực hiện lại những chương trình giao lưu quân sự, bị tạm ngưng hồi tháng 10 sau khi Chính phủ của Tổng thống Bush thông báo cho Quốc hội về kế hoạch bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá gần 7 tỷ USD. Bà Hillary cũng hoan nghênh Bắc Kinh tiếp tục đầu tư vào các loại trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ.

Về vấn đề thay đổi khí hậu, bà Hillary nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giải quyết tình trạng thay đổi khí hậu với Trung Quốc, nước đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới. Bà nhấn mạnh: “Rất nhiều cơ hội về năng lượng sạch, công nghệ... sẽ ra đời ở khu vực này của thế giới. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc ở vào một vị thế đặc biệt để tham gia vào câu trả lời cho vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu.

Cách thức chúng tôi hợp tác với họ, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ là một phần cực kỳ quan trọng trong chính sách ngoại giao của chúng tôi”. Về an ninh và chống khủng bố, Ngoại trưởng Mỹ cho biết, bà trông đợi Bắc Kinh sẽ đóng một vai trò tích cực hơn nữa trong việc thuyết phục CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán giải giáp hạt nhân sáu bên và làm dịu bầu không khí căng thẳng giữa Bình Nhưỡng, Seoul và Tokyo. Hai bên cũng cho biết, các cuộc đối thoại thường lệ về vấn đề kinh tế giữa hai nước hiện giờ sẽ gồm cả chủ đề về khủng bố và an ninh. Theo đó, chi tiết các cuộc gặp sẽ được Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào quyết định tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế diễn ra tại London vào tháng 4 tới.

Việc bà Hillary nhấn mạnh về kinh tế toàn cầu, thay đổi khí hậu và an ninh trong chuyến thăm này đồng nghĩa với việc Mỹ muốn nêu bật tầm quan trọng ngày càng tăng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Dù Mỹ có muốn hay không thì Trung Quốc cũng đang trên đường trở thành một cường quốc hùng mạnh của thế kỷ 21. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chính là thị trường đang phát triển với tốc độ nhanh nhất đối với hàng loạt ngành công nghiệp của Mỹ, chẳng hạn như công nghệ cao.
 
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đưa đến một kết quả tất yếu: Mỹ và Trung Quốc không thể thiếu nhau trên con đường phát triển kinh tế và điều này báo trước sự hợp tác mạnh mẽ hơn trong tương lai. Phía Trung Quốc cũng hy vọng, thông qua chuyến thăm này của Ngoại trưởng Mỹ Hillary, hai bên sẽ tăng cường đối thoại, mở rộng hợp tác, thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ tiếp tục phát triển ổn định.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.