.

“Triệu phú khu ổ chuột”: Mở cửa cho điện ảnh Ấn Độ

.

Với thành công vang dội - giành 8 giải Oscar, bộ phim “Triệu phú khu ổ chuột” (Slumdog Millionaire) đã mở toang cánh cửa để điện ảnh Ấn Độ chuyển từ “ổ chuột” thành “triệu phú”.

Đạo diễn phim “Triệu phú khu ổ chuột”, ông Danny Boyle, nhận giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất.

Cho đến mùa giải Oscar năm nay, người Ấn Độ chưa bao giờ quan tâm nhiều tới giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới, do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ bình chọn hằng năm; và người Mỹ cũng chẳng mấy quan tâm tới điện ảnh Ấn Độ. Thực tế, Ấn Độ có nền công nghiệp điện ảnh thuộc loại lớn nhất thế giới; trung tâm điện ảnh của Ấn Độ - có tên là Bollywood, gần giống với Hollywood của Mỹ - sản xuất mỗi năm hơn 1.100 bộ phim truyện. Nhưng phim Ấn Độ chưa bao giờ nổi bật trong các cuộc bình chọn giải thưởng Oscar hằng năm. Cho đến ngày 22-2-2009 vừa qua.

Bộ phim “Triệu phú khu ổ chuột” - câu chuyện một cậu bé sinh ra và lớn lên trong khu ổ chuột của thành phố Mumbai (tên cũ là Bombay), trở thành triệu phú qua một trò chơi hỏi đáp trên truyền hình - thực chất là một tác phẩm quốc tế: kịch bản được rút ra từ tập sách “Hỏi và Đáp” của một nhà ngoại giao Ấn Độ, do đạo diễn người Anh Danny Boyle dàn dựng với dàn diễn viên và kỹ thuật của Bollywood, phát hành qua công ty Mỹ Fox Searchlight.


Nhưng hoàn toàn có thể nói đây là bộ phim của Ấn Độ, căn cứ vào cốt truyện, bối cảnh cùng dàn diễn viên phần lớn là người Ấn. Bốn trong số 8 giải Oscar của phim cũng đã về tay các nghệ sĩ Ấn Độ trong các hạng mục nhạc nền hay nhất, bài hát nguyên bản hay nhất và phối âm hay nhất. Người Ấn có lý do để coi đây là bộ phim của họ; tin thắng lợi của phim này tràn ngập trang nhất các tờ báo và các đài truyền hình, còn Bollywood thì mở tiệc liên hoan thâu đêm suốt sáng.

Thực ra danh tiếng của phim “Triệu phú khu ổ chuột” đã vang xa trước khi diễn ra buổi lễ trao giải Oscar và tại Ấn Độ bộ phim đã thu được hơn 80 triệu đô la tiền vé. Nhưng thành công của nó khiến giới điện ảnh quốc tế quan tâm đến Bollywood nhiều hơn. “8 giải Oscar của phim là chiến thắng tuyệt đối của Ấn Độ, nó mở ra cho chúng tôi rất nhiều cánh cửa”, đạo diễn người Ấn Anurag Kashyap - cố vấn cho đạo diễn Danny Boyle - nhận xét.
 
“Tôi đã có rất nhiều lời mời, người ngoại quốc muốn biết họ nên quay phim ở đâu trên đất Ấn Độ”, ông nói thêm. Còn theo đạo diễn kiêm diễn viên Amol Paleker, thành công của bộ phim đã đem lại sự kính trọng mà phương Tây phải dành cho điện ảnh Ấn Độ. “Trước đây Hollywood thường chế giễu những bộ phim Ấn Độ có nhiều trường đoạn ca hát và nhảy múa nhưng bây giờ, khi chúng tôi đưa ra bộ phim này thì cả thế giới phải vỗ tay”, ông Palekar nói.

Sự quan tâm tới điện ảnh Ấn Độ còn thể hiện bằng những hợp đồng kinh tế trị giá hàng tỷ đô la. Từ lúc đạo diễn Danny Boyle bắt đầu bấm máy quay những cảnh đầu tiên, hàng loạt hãng phim phương Tây đã kéo đến Ấn Độ, tìm cách khai thác thị trường rộng lớn này. Theo báo cáo tình hình ngành công nghiệp giải trí năm 2008 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, doanh thu từ điện ảnh ở Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi, lên mức 4 tỷ đô la Mỹ mỗi năm vào năm 2012, tương đương một nửa doanh thu ở Mỹ.

Các diễn viên chính Dev Patel (bên trái) và Freida Pinto (phải) ở một cảnh chia ly trong phim “Triệu phú khu ổ chuột” - phim giành 8 giải Oscar, trong đó có giải phim hay nhất.

Và để chia phần bánh ngọt ngào đó, các hãng phim phương Tây hoặc mở đại lý phát hành phim tại Ấn hoặc hợp tác với các hãng phim và các đạo diễn địa phương để sản xuất các bộ phim quốc tế, sử dụng diễn viên, bối cảnh Ấn Độ cộng với ý tưởng sáng tạo và công nghệ điện ảnh phương Tây. Ngày 16-2 vừa qua, Hội điện ảnh Mỹ (Motion Picture Association of America - MPAA) đã khai trương văn phòng đại diện đầu tiên tại Ấn Độ để bảo vệ bản quyền của các nhà làm phim Mỹ.

Trước đó, hãng phim UTV có trụ sở tại Mumbai, đã hợp tác làm phim với nhiều hãng phim Mỹ và thành công đến mức gần đây hãng Walt Disney đã bỏ ra một khoản tiền rất lớn để mua 57% cổ phần của UTV. Với thành công của bộ phim, làn sóng đầu tư, hợp tác giữa hai trung tâm điện ảnh lớn Hollywood và Bollywood chắc chắn sẽ trào dâng trong những năm sắp tới.

Các nhà làm phim Ấn Độ cũng nóng lòng muốn vươn ra thế giới và tiếp cận khán giả toàn cầu, nhất là cộng đồng Ấn kiều đông đảo và thành đạt ở châu Âu, châu Mỹ. Vài hãng phim Ấn đã mở văn phòng tại Mỹ để thúc đẩy việc phát hành, còn các nhà sản xuất thì tìm cơ hội hợp tác với Hollywood. Ngày 6-2 vừa qua, tập đoàn giải trí Reliance của tỷ phú người Ấn Độ Anil Ambani đã ký hợp đồng hợp tác với các công ty quản lý nữ diễn viên gạo cội Julia Roberts và đạo diễn Brett Ratner.
 
Năm ngoái, Reliance cũng đã ký các hợp đồng tương tự với diễn viên Brad Pitt, George Cloney, Tom Hanks, Nicolas Cage và Jim Carrey - toàn những tên tuổi sáng giá của điện ảnh Mỹ. Mới đây, khi hãng phim DreamWorks của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg muốn tách ra khỏi tập đoàn điện ảnh Paramount, ông Spielberg đã tìm tới Reliance và công ty giải trí Ấn Độ này cam kết góp 1,2 tỷ đô la vào vốn hoạt động của hãng DreamWorks.

Đoàn làm phim “Triệu phú khu ổ chuột” làm việc tại trường quay… và tại lễ nhận giải Oscar.

Tuy nhiên, con đường hợp tác giữa điện ảnh Ấn Độ và điện ảnh Mỹ không hoàn toàn suôn sẻ. Phim Ấn Độ nói chung vẫn chưa gây được tiếng vang ở phương Tây vì còn nặng tính địa phương. “Khác biệt về văn hóa và thị hiếu là điều rất khó vượt qua để đưa phim Ấn Độ ra thế giới”, nhà biên kịch và sản xuất phim Ấn Độ Jaideep Sahni, nói. “Triệu phú khu ổ chuột” dường như đã khắc phục được khoảng cách văn hóa này – những chủ đề quen thuộc của phim Ấn Độ như nạn nghèo khổ, nỗ lực vươn lên, tình yêu và chiến thắng… đã được đạo diễn người Anh xử lý rất tốt, thỏa mãn được thị hiếu của cả người Ấn Độ lẫn khán giả phương Tây.

Những nhà làm phim phương Tây cũng nhận ra nhiều khó khăn ở Ấn Độ: không có một phim trường thật sự hiện đại nào, thủ tục hành chính rườm rà và mất nhiều thời gian, hệ thống phát hành phim và chiếu bóng thì chia năm xẻ bảy, thiếu một sự điều phối thống nhất. Phim “Triệu phú khu ổ chuột” cho thấy những trở ngại này hoàn toàn có thể vượt qua để các nghệ sĩ ở hai châu lục cùng hợp tác làm ra những tác phẩm có giá trị phổ quát trong một thế giới ngày càng “phẳng”.

Thái Bình (Theo BusinessWeek)

;
.
.
.
.
.