.

50 năm Cách mạng Cuba

.

Sau một năm lên nắm quyền ở Cuba, hôm 2-3, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã thay 8 bộ trưởng trong một cuộc cải tổ nội các sâu rộng, nhằm tăng tính hiệu quả của bộ máy Chính phủ. Cuộc cải tổ trên đã tạo ra một Chính phủ Cuba gọn nhẹ hơn, hoạt động hiệu quả hơn và tiến tới “hoàn chỉnh” bộ máy Chính phủ.

Chủ tịch Cuba Raul Castro (giữa) thực hiện cuộc cải tổ nội các sâu rộng sau một năm lên nắm quyền ở Cuba.

Năm nay, Cuba kỷ niệm 50 năm cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Batista dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ trẻ tuổi Fidel Castro. Ngày 1-1-1959 là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với những người cách mạng, nhân dân Cuba, đồng thời có ý nghĩa lịch sử thời đại sâu sắc. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Fidel Castro, đêm 31-12-1958, quân và dân Cuba đã tiếp quản thủ đô La Habana, lật đổ chế độ độc tài Batista.

50 năm qua, Cuba phải đương đầu với nhiều thách thức, chống lại các âm mưu thù địch và bảo vệ thành quả cách mạng của mình. Ngay trong năm 1960, 15.000 lính đánh thuê do CIA trang bị đã đổ bộ vào bãi biển Hi-rôn với mưu đồ tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ nhưng chúng đã thất bại hoàn toàn. Tiếp theo là một cuộc chiến tranh kinh tế - thương mại toàn diện chống Cuba. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn như vậy, Cuba đã vươn lên và đạt được những kỳ tích.

Cuba ngày nay đã thay đổi. Là một nước đang phát triển nhưng nhiều chỉ số phát triển xã hội của Cuba tương đương với các nước phát triển. Cuba đã mở rộng quan hệ với 180 nước trên thế giới. Đặc biệt, trong những năm gần đây, quan hệ giữa Cuba với Trung Quốc và Venezuela không ngừng được tăng cường.

Việt Nam và Cuba gắn bó với nhau từ trong máu lửa, tình bạn chiến đấu thủy chung Việt Nam - Cuba là tấm gương sáng của nhân loại trong những thập kỷ qua, là niềm tin và động lực của hai đất nước, hai dân tộc đoàn kết phấn đấu vì sự phồn vinh và tiến bộ xã hội. Chúng ta nhớ mãi hình ảnh Chủ tịch Fidel Castro giương cao lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tại vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973 và câu nói nổi tiếng: “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.

Chính sự phát triển của Cuba đã buộc các nước khác trên thế giới phải nghĩ lại về việc cấm vận để bảo vệ lợi ích của mình. Mới đây, Tổng thống Pháp Sarkozy đã cử Jack Lang, cựu Bộ trưởng Văn hóa, tới Cuba nhằm tăng cường quan hệ với Chủ tịch Raul Castro. Năm ngoái, Liên minh châu Âu đã bỏ phiếu dỡ bỏ các biện pháp cấm vận đối với Cuba. Ngày 26-2 vừa qua, Hạ viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu thông qua một dự luật nới lỏng hạn chế đi lại đối với những người Mỹ gốc Cuba. Dự luật này là bước đi đầu tiên trong nỗ lực lớn hơn của Chính quyền Obama nhằm nới lỏng lệnh cấm vận thương mại của Mỹ cũng như chấm dứt hạn chế đi lại đối với mọi công dân Mỹ tới Cuba.

Cựu lãnh đạo Cuba Fidel Castro và em trai của ông - Chủ tịch Cuba đương nhiệm Raul Castro mới đây khẳng định, sẵn sàng đối thoại với Mỹ nhằm chấm dứt mối bất hòa lâu nay. Giới phân tích nhận định, ông chủ mới của Nhà Trắng có thể giảm nhẹ các hạn chế và tăng cường hợp tác với Cuba trên các lĩnh vực như chống nhập cư bất hợp pháp và buôn lậu ma túy.

Theo một tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia, trong thời gian tới, nước này sẽ tiếp tục có một số thay đổi trong Chính phủ, để hướng tới “mục tiêu dần dần giảm sự cồng kềnh” của bộ máy Chính phủ. Kinh tế Cuba đã vượt tình trạng suy thoái và bước vào thời kỳ tăng trưởng khá, kể từ năm 2005 đến nay. Đây là nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất ở khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt năm 2006 đạt tốc độ 12,5%. Khẩu hiệu chỉ đạo hoạt động kinh tế của đất nước Cuba được đưa ra là: “Sản xuất ra nhiều nhất bằng ít nguồn lực nhất”.
 
Tuy nhiên, theo thống kê của Chính phủ Cuba, chỉ có 29% diện tích đất nông nghiệp trên quốc đảo này được khai thác vì mục đích nông nghiệp, trong khi số còn lại bị bỏ hoang hóa rất lãng phí. Vì vậy, làm hồi sinh các cánh đồng lúa là một trong những thay đổi lớn nhất mà Chủ tịch Cuba Raul Castro muốn người dân tích cực hưởng ứng để góp phần giúp Chính phủ giảm bớt phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu, vốn tiêu tốn của Cuba hơn 2 tỷ USD trong năm ngoái.                 

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.