.

Bài học từ hai cuộc đấu giá

.

Hai cuộc đấu giá cổ vật diễn ra tuần trước tại Paris và New York đang gây tranh cãi khắp thế giới và có nhiều bài học đáng lưu ý.

Hai pho tượng xuất xứ từ Trung Quốc bị bán đấu giá ở Paris với giá 36 triệu đô-la.
Ngày 25-2-2009 hãng đấu giá Christie’s tổ chức bán hai pho tượng đồng - một đầu thỏ và một đầu chuột - gây phẫn nộ trong công chúng Trung Quốc. Đây là hai trong bộ tượng 12 con giáp trang trí một đài phun nước ở Quang Minh Điện, thuộc Cung Thái Bình trong quần thể Cung điện Mùa hè của vua Càn Long ở ngoại ô Bắc Kinh.
 
Trong cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai năm 1860, liên quân Anh-Pháp đã tàn phá cung điện này và cướp đi toàn bộ những tác phẩm nghệ thuật. Mặc dù các tượng đầu thú này không có mấy giá trị thẩm mỹ, chúng được coi là có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử và văn hóa. Cho đến nay Trung Quốc đã thu hồi được 5 tượng đầu thú trong bộ tượng 12 con giáp, số còn lại vẫn thất lạc và hai tượng chuột-thỏ được đưa ra đấu giá nằm trong số 7 tượng bị thất lạc đó. Chủ sở hữu hai pho tượng này là nhà thiết kế thời trang nổi tiếng người Pháp Yves Saint Laurent và bạn của ông này là Pierre Perge.

Ủy ban Nhà nước về Di sản văn hóa Trung Quốc đã cố thuyết phục hãng Christie’s hủy bỏ cuộc đấu giá nhưng không thành; Hội Bảo vệ Nghệ thuật Trung Quốc ở châu Âu đệ đơn xin ngừng cuộc đấu giá nhưng đơn của họ bị tòa án Pháp bác bỏ ngày 23-2. Hai ngày sau, hai pho tượng được bán cho một khách hàng ẩn danh trả giá cao nhất là 28 triệu euro (36 triệu đô-la Mỹ), gây phẫn nộ cho người Trung Quốc.

Bên kia Đại Tây Dương, ngày 5-3-2009 hãng đấu giá Antiquorum có trụ sở tại New York, Mỹ tổ chức bán đấu giá một số di vật của vị “cha già dân tộc Ấn Độ” Mohandas K. Gandhi, gồm một cặp kiếng đeo mắt, đôi dép sandal, một bộ chén đĩa và chiếc đồng hồ bỏ túi – những vật dụng thường nhật trong cuộc sống đạm bạc của nhà cách mạng lỗi lạc đã lãnh đạo cuộc đấu tranh bất bạo động giành lại độc lập cho Ấn Độ từ tay thực dân Anh.

Cũng như ở Trung Quốc, công chúng Ấn Độ đã hết sức phẫn nộ trước việc các di vật của ngài Mohandas Gandhi - mà họ coi là một vị thánh (Mahatma) - bị đem ra đấu giá công khai. Chính phủ Ấn Độ phản đối mạnh mẽ, thậm chí thương lượng với hãng Antiquorum để đưa các vật này khỏi danh mục hàng đấu giá, nhưng không thành công; cuối cùng chúng được bán với giá 1,8 triệu đô-la Mỹ.

*

Những di vật của thánh Gandhi bị bán đấu giá ở New York với giá 1,8 triệu đô-la.

Những cuộc đấu giá này trước hết gợi lại những kỷ niệm đau buồn, những xung đột lịch sử đẫm máu giữa phương Đông và phương Tây trong thời kỳ thực dân, làm bật máu những vết thương dân tộc chưa dễ lành; vì thế không có gì khó hiểu khi chúng gây phẫn nộ trong dân chúng các nước Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy trong trường hợp Ấn Độ, những di vật của Gandhi được chính ông tặng cho các bạn hữu phương Tây chứ không bị đánh cướp như các pho tượng của Trung Quốc, việc đem chúng ra bán công khai cũng là một hành vi thiếu văn minh, thiếu tôn trọng đối với người tặng chúng.

Trong trường hợp Trung Quốc, việc đưa hai pho tượng ra bán còn là hành vi vi phạm pháp luật. Năm 1955 Trung Quốc và Pháp đã ký kết một hiệp ước theo đó những tác phẩm văn hóa bị đánh cắp hoặc thất lạc trong chiến tranh phải được trả về cho chủ sở hữu của chúng.

Hai vụ đấu giá còn bị chính trị hóa một cách lố bịch. Pierre Berge, đồng sở hữu hai pho tượng, nói rằng ông ta sẵn sàng trao trả chúng cho Trung Quốc nếu Chính phủ nước này thay đổi chính sách đối xử với người Tây Tạng và đức Đạt Lai Lạt Ma - một điều kiện mà tất nhiên Trung Quốc thẳng thừng bác bỏ.
 
Trong trường hợp Ấn Độ, ông James Otis, một nhà sưu tập nghệ thuật tư nhân ở Los Angeles và là chủ sở hữu các di vật của Gandhi, đưa điều kiện ông sẽ tặng tất cả các vật này cho Ấn Độ nếu Chính phủ Ấn quan tâm nhiều hơn tới đời sống của người nghèo và tăng ngân sách cho ngành y tế. Giới thượng lưu Ấn Độ coi đề nghị này là sự can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước họ và đương nhiên không thể chấp nhận được.

*

Phần hấp dẫn của câu chuyện nằm ở kết cục của chúng. Người mua “ẩn danh” trong vụ đấu giá hai pho tượng chuột-thỏ ở Paris hóa ra là một triệu phú Trung Quốc, ông Cai Mingchao, một nhà kinh doanh bất động sản ở Quảng Đông. Ngay sau khi thông tin về kết quả vụ đấu giá được công bố, ông Cai đã tổ chức họp báo và tuyên bố sẽ không trả tiền cho hãng Christie’s, việc đặt giá cao nhất của ông là chỉ nhằm “làm thất bại” vụ đấu giá để thể hiện “lòng yêu nước”.

Hành động của ông Cai được nhiều cư dân mạng ở Trung Quốc hoan nghênh nhưng bị nhiều người khác phê phán là thiếu trung thực, thiếu đứng đắn và có thể gây phương hại cho hình ảnh của giới kinh doanh Trung Quốc trên trường quốc tế. Về phần mình, Chính phủ Trung Quốc đã trả đũa Pháp bằng cách hủy bỏ hợp đồng mua 150 máy bay Airbus trị giá 10 tỷ đô-la Mỹ.

Ở Ấn Độ, người mua những di vật của Gandhi cũng là một triệu phú bản địa, ông Vijay Mallya, chủ tịch tập đoàn UB Group gồm các nhà máy bia United Beer, hãng hàng không Kingfisher và nhiều dự án bất động sản. Có điều, ông Vijay Mallya cũng là một người sùng kính thánh Gandhi và những di vật mà ông mua qua đấu giá sẽ được tặng lại cho Bảo tàng Mahatma Gandhi tại Ấn Độ. “Thánh (Mahatma) Gandhi là người cha của dân tộc, về mặt lịch sử và văn hóa không có gì quý giá hơn là tài sản ít ỏi của ngài và chúng phải được trả về nguyên gốc”, ông V. Mallya nói.

*

Ông Vijay Mallya – triệu phú Ấn Độ, đã mua các di vật của Gandhi để tặng lại cho bảo tàng.

Hai vụ đấu giá đã khép lại nhưng cuộc tranh cãi vẫn còn tiếp diễn, nhất là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Bài học từ các vụ này là các bên cần tỏ ra nhạy cảm trước những quyền lợi và mối quan tâm của người khác, từ đó tìm ra một giải pháp đôi bên cùng có lợi. Từ lâu, công chúng Pháp vẫn lên án hành vi cướp đoạt các di sản văn hóa nghệ thuật từ các nước thuộc địa và yêu cầu phải trả chúng về nguyên gốc. Nhà văn Victor Hugo từng nói, nước Pháp cần bị xét xử vì hành vi tàn phá Quang Minh Điện ở Trung Quốc và các nền văn hóa độc đáo ở các nước thuộc địa. Ông hy vọng “có một ngày Pháp sẽ trả lại những di vật này cho người Trung Quốc”. Nhưng chính quyền Pháp dường như không có sự nhạy cảm cần thiết đó.

Hành động theo kiểu của Cai Mingchao và Chính phủ Trung Quốc cũng phản tác dụng; nó làm cho thế giới nhìn người Trung Quốc như những kẻ láu cá và bài ngoại.

Lối giải quyết như trường hợp Ấn Độ có tính thuyết phục hơn. Bởi vì gây bão táp trong chén trà không giải quyết được vấn đề gì mà càng làm cho các mâu thuẫn thêm tồi tệ.

Huỳnh Hoa

 

;
.
.
.
.
.