Khủng hoảng kinh tế đã làm 4,5 triệu người Mỹ bị mất việc làm, nhưng con số này chưa bao gồm hàng triệu người lao động nhập cư. So với người bản xứ, người nhập cư khốn khổ hơn rất nhiều và tài năng đang rời nước Mỹ. Điều đó sẽ gây hại không chỉ cho người nhập cư mà cả cho nước Mỹ.
Người nhập cư Mexico tại Mỹ biểu tình phản đối lệnh trục xuất khỏi nước Mỹ. |
Anh Bedardo Sola, 42 tuổi, người El Salvador, rất đau khổ vì mất việc làm lau chùi quét dọn ký túc xá của Trường Đại học Harvard. Vụ sa thải anh đang đẩy hai gia đình vào chỗ khốn cùng: gia đình anh tại Mỹ và đứa con gái 10 tuổi bị bệnh rối loạn hệ miễn dịch mà anh phải chu cấp ở quê nhà.
*
Nạn thất nghiệp tăng rất nhanh đang tấn công vào mọi gia đình Mỹ và ảnh hưởng nghiêm trọng đối với người nhập cư. Ngoài việc mất phương cách kiếm sống, người lao động nhập cư ở Mỹ còn mất đi giấy phép làm việc, tan vỡ giấc mơ về một tương lai trên đất Mỹ, thậm chí bị trục xuất về nước. Ngay cả những người đã nhập quốc tịch Mỹ cũng mất nguồn tiền mà họ có thể gửi về cho thân nhân ở quê nhà.
Tệ hại hơn là khi nạn thất nghiệp tăng thì xung đột giữa người nhập cư và người Mỹ bản xứ cũng tăng theo. Đã có nhiều quan chức dân cử và lãnh đạo nghiệp đoàn lên tiếng đòi hỏi phải có thêm nhiều hạn chế đối với người nhập cư để giữ công ăn việc làm cho công dân Mỹ; và thực tế đã có nhiều chính sách hạn chế được thực thi, chẳng hạn gần đây cơ quan phụ trách về di cư của Mỹ liên tục lục soát các nhà máy và cơ sở kinh doanh để phát hiện người nhập cư trái phép, bắt giữ và trục xuất họ về quê quán.
Chưa có biện pháp nào hữu hiệu để xác định người nhập cư bị thiệt hại như thế nào trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhưng khốn khổ nhất là những người nghèo, ít học và không thông thạo tiếng Anh. Ông George Noel, Giám đốc sở lao động bang Massachusetts, cơ quan đang tiến hành cuộc khảo sát tầng lớp lao động lương thấp toàn tiểu bang, nhận xét: “Người nhập cư, trong nhiều trường hợp, còn khổ hơn tất cả mọi người, nhất là những người làm việc trong khu vực kinh tế ngầm”. Có lẽ tình cảnh khốn khổ ở Mỹ đã khiến cho làn sóng nhập cư bất hợp pháp vào nước này, đặc biệt là từ các nước Mỹ Latinh, đã không tăng lên từ năm 2006 đến nay; lượng tiền kiều hối gửi từ Mỹ về các nước Mỹ Latinh bắt đầu giảm từ năm ngoái.
Cũng nên để ý rằng người nhập cư trình độ thấp thường đảm nhận những công việc nguy hiểm hoặc kém vệ sinh mà người bản xứ không chịu làm và được trả công ít hơn hẳn. Chính vì thế, một bản báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Di cư tại Washington cho thấy trong đội ngũ lao động chưa có bằng tốt nghiệp trung học, tỷ lệ thất nghiệp của người nhập cư là 11%, thấp hơn nhiều so với mức 25% của người Mỹ da đen bản xứ và 16% của người Mỹ gốc Nam Mỹ. Sự năng nổ làm việc của người nhập cư lại càng khiến cho người bản xứ tức giận vì cho rằng họ “cướp việc” của người bản xứ. Tác giả của bản báo cáo, ông Steven Camarota, nói thẳng: “Chúng tôi không thích gia tăng người nhập cư. Thật vô lý khi gia tăng số nhân công trong khi việc làm ngày càng ít”.
Người lao động nhập cư có trình độ cao, nhất là những người du học đại học tại Mỹ rồi ở lại làm việc, lại phải chịu những hạn chế khác. Quy chế của Mỹ cho phép sinh viên nước ngoài tốt nghiệp đại học chỉ được ở lại Mỹ không quá 1 năm; và họ rất khó tìm việc vì các doanh nghiệp không muốn tuyển dụng những người chỉ làm việc tạm thời mấy tháng. Mới đây Quốc hội Mỹ lại quy định, các ngân hàng và công ty Mỹ nào nhận tiền cứu nguy của chính phủ thì không được sử dụng nhân viên là người nước ngoài cho dù họ có trình độ và kỹ năng tốt hơn những người Mỹ bị sa thải. Chương trình cấp thị thực làm việc tạm thời cho lao động có tay nghề cao, gọi là visa H1B, mấy năm qua bị lạm dụng nghiêm trọng và đang bị xem xét lại, có thể bị bãi bỏ.
*
Người nhập cư từ châu Mỹ Latinh thu hái cà chua trong một trang trại ở bang Virginia, Mỹ |
Nhưng với những người ít học như anh Bedardo Sola, giấc mơ Mỹ đã quá xa xôi. Anh vào Mỹ một cách hợp pháp, với hy vọng xây dựng một cơ ngơi để đưa con cái sang Mỹ. Nhưng giờ đây, việc làm đã mất, cuộc sống bấp bênh, anh chưa biết ngày mai sẽ ra sao. “Tôi đến đất nước này không phải để ăn bám, tôi muốn làm việc”, anh nói. Giữa lúc số người thất nghiệp tăng từng ngày, ý muốn đơn sơ của anh cũng khó thành hiện thực.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, trong lúc nước Mỹ ra sức “làm khó” người nhập cư thì một số nước phát triển khác như Úc, Canada, Singapore tận dụng cuộc khủng hoảng để thu hút những nhân tài đang “bật” ra khỏi nước Mỹ. Tại các nước này, người nhập cư chỉ cần không vi phạm luật pháp, có trình độ đại học trở lên sẽ dễ dàng trở thành “người bản xứ”. Và đây là một thiệt hại to lớn cho nước Mỹ.
George Bruno, luật sư về di trú tại New Hamsphire, cho rằng một dòng chảy chất xám đang rời nước Mỹ và ông lo ngại: “Đến một điểm nào đó nền kinh tế sẽ hồi phục lại. Khi ấy, nước nào sẽ có lợi thế về lao động? Chắc chắn không phải là Mỹ”.
Thái Bình