.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

.

Giữa lúc có nhiều thông tin CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị phóng thử tên lửa tầm xa, thì mới đây Bình Nhưỡng cáo buộc, quân đội Mỹ đang có những hành động khiêu khích dọc đường biên giới phân chia hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, làm gia tăng thêm những căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên.

Những thông tin CHDCND Triều Tiên chuẩn bị phóng thử tên lửa tầm xa, khiến Mỹ lo ngại .

Bất chấp những cảnh báo quốc tế, Bình Nhưỡng tuyên bố, việc chuẩn bị phóng một vệ tinh của họ đang tiến triển nhanh chóng, nhưng không tiết lộ thời gian chính xác cho sự kiện đó. Seoul và Washington hiện coi động thái này là cái cớ để Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa Taepodong-2, một loại tên lửa tầm xa về lý thuyết có thể chạm tới bang Alaska của Mỹ.

Các động thái mới xảy ra đúng lúc Tổng thống Obama vừa tròn một tháng nhậm chức và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cũng kỷ niệm một năm đảm nhiệm vai trò người đứng đầu đất nước này. Mặc dầu Washington chưa đưa ra những thay đổi lớn gì trong chính sách ngoại giao với Bình Nhưỡng, nhưng những gì mà tân Ngoại trưởng Mỹ Hillary khẳng định trong chuyến công du châu Á đầu tiên về mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ với Hàn Quốc, cũng tạo thêm những áp lực mới đối với CHDCND Triều Tiên. 

Đáp trả hành động phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, Đô đốc Timothy Keating, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cảnh báo, quân đội Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để bắn hạ bất cứ một tên lửa đạn đạo nào của CHDCND Triều Tiên một khi Tổng thống Obama ra lệnh. Trả lời phỏng vấn hãng ABC News, Đô đốc Keating cho biết: “Nếu một tên lửa rời bệ phóng, chúng tôi sẽ chuẩn bị đáp trả theo lệnh Tổng thống Obama. Tôi không phải là người thích cá cược, nhưng tôi sẽ đặt tỷ lệ 60/40, 70/30 là điều đó sẽ xảy ra, nếu Bình Nhưỡng định phóng một vệ tinh.

Việc Triều Tiên di chuyển thiết bị cho thấy, họ đang trong giai đoạn sơ khởi của việc chuẩn bị phóng”. Theo Đô đốc Keating, quân đội nước này đã sẵn sàng đáp lại hành động của CHDCND Triều Tiên bằng ít nhất 5 hệ thống khác nhau: tàu khu trục, tàu tuần dương Aegis, radar, hệ thống đặt trong không gian và tên lửa đánh chặn trên mặt đất. Các hệ thống này phối hợp với nhau để chống lại bất cứ mối đe dọa nào từ tên lửa.

Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên đã đưa ra khuyến cáo nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột quân sự không lường trước được khi nước này cáo buộc, quân đội Mỹ có những hành động khiêu khích ở khu vực phi quân sự giữa biên giới liên Triều. Bình Nhưỡng cũng đang tăng cường công kích Hàn Quốc về chính sách cứng rắn hiện thời của Seoul đối với Bình Nhưỡng. Bình Nhưỡng cho biết, binh sĩ Mỹ đã tiến thêm khoảng 30 mét tính từ đường giới tuyến quân sự ở khu vực biên giới phía tây, đồng thời đã chụp ảnh một bốt quân sự của CHDCND Triều Tiên hồi tháng trước.

Trong năm nay, quân đội Mỹ đã tiến hành hơn 60 cuộc tuần tra trong phạm vi 100 mét ranh giới giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc. Hãng thông tấn quốc gia KCNA của CHDCND Triều Tiên trích dẫn một thông điệp của quân đội nước này gửi tới quốc gia láng giềng khẳng định, những động thái khiêu khích của Mỹ đúng vào thời điểm mối quan hệ Bình Nhưỡng - Seoul đang tiến sát tới bờ vực chiến tranh có thể làm bùng nổ các cuộc xung đột không lường trước được trên bán đảo Triều Tiên. “Nếu lực lượng Mỹ tiếp tục cư xử một cách ngạo mạn... quân đội CHDCND Triều Tiên sẽ có biện pháp đối phó cương quyết”, trích thông điệp của quân đội CHDCND Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của nước láng giềng là vô căn cứ. Cơ quan này cho rằng, các hành động của quân đội Mỹ là hợp pháp vì Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc do Mỹ đứng đầu có quyền giám sát Khu vực phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên.

Tại Washington, Christopher Hill, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á, cho biết: Mỹ không có ý định tìm cách lật đổ chế độ tại CHDCND Triều Tiên, mặc dù có những lo ngại về các động thái của Bình Nhưỡng cũng như về người kế nhiệm lãnh đạo Kim Jong-il. Tuy nhiên, ông cho biết, mặc dù Mỹ không tìm cách thay đổi chế độ, song vẫn quan tâm sát sao tới việc kế nhiệm ở Triều Tiên.

Trong chuyến thăm Seoul tuần trước, Ngoại trưởng Hillary nói rằng, sự không chắc chắn về người kế nhiệm lãnh đạo Kim Jong-il đã làm cho các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng trở nên phức tạp. Những nhận xét của bà Hillary về việc người kế nhiệm ở Triều Tiên quả là không bình thường đối với một quan chức cấp cao của Mỹ. Bà Hillary đã nói rằng, Mỹ muốn đàm phán với Bình Nhưỡng. Bình Nhưỡng đã ký một thỏa thuận sáu bên, nhằm chấm dứt các chương trình hạt nhân của nước này. Đổi lại, Triều Tiên sẽ nhận được viện trợ và các đảm bảo về an ninh.

Các nhà phân tích tin rằng, CHDCND Triều Tiên đang nỗ lực thúc đẩy chính quyền của Tổng thống Barack Obama quay trở lại bàn đàm phán, đồng thời tìm cách củng cố vị thế trên bàn đàm phán của nước này. Các cuộc đàm phán hạt nhân với CHDCND Triều Tiên, liên quan đến Mỹ và 4 cường quốc trong khu vực, đã rơi vào bế tắc do các bên chưa đạt được thỏa thuận về việc kiểm chứng các công bố hạt nhân của Bình Nhưỡng.
 
Theo các chuyên gia, giải pháp hiện nay là tăng cường các cuộc đàm phán song phương và đa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn trước mắt. Và tất nhiên sẽ có những cam kết mới được đưa ra, nhưng để đạt được nó và thực thi đúng cam kết giữa các bên, vẫn cần một thời gian dài, đặc biệt là những chính sách ngoại giao tích cực từ phía Mỹ nhằm bảo đảm an ninh, kinh tế cho sự phát triển vững mạnh của CHDCND Triều Tiên.
                                                    
GIA HUY

;
.
.
.
.
.