.

G-20 loay hoay tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế

.

Vào ngày 2-4, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ nhóm họp tại London, Anh để thảo luận những biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Mặc dầu hội nghị sắp diễn ra, nhưng vẫn còn không ít những bất đồng tiềm ẩn giữa các nhà lãnh đạo của các nước tham dự.

Hàng chục nghìn người đã biểu tình tại các thành phố lớn trên khắp châu Âu để phản đối tình trạng khủng hoảng kinh tế và thúc giục các nhà lãnh đạo hành động chống đói nghèo, mất việc và thay đổi khí hậu tại Hội nghị G-20.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi những người phản đối G-20 trao cho các chính phủ một cơ hội để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế. Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ Latinh tại Chile, ông Biden nói rằng, những người đứng đầu Nhà nước sẽ nhất trí về các đề xuất giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, khi họ gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại London. Ông Biden cho biết: “Chúng tôi có thể nói rõ với họ rằng, chúng tôi sẽ kết thúc Hội nghị G-20 này bằng một số đề xuất cụ thể”. Lời kêu gọi trên được đưa ra trong lúc hàng chục nghìn người biểu tình rầm rộ tại các thủ đô của Anh, Đức, Pháp và Italia.

Thủ tướng Anh Gordon Brown cho biết, ông hiểu tại sao mọi người lại biểu tình tại Anh. Ông nói: “Chúng tôi sẽ đáp lại các cuộc biểu tình chống G-20 bằng các biện pháp giúp tạo việc làm, thúc đẩy kinh doanh và đưa nền kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại”. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã giảm nhẹ những mong đợi về một sự đột phá lớn tại hội nghị tuần tới. Bà nói rằng, một cuộc họp sẽ không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, cũng như kết thúc việc xây dựng một cơ cấu mới cho các thị trường toàn cầu.

Trong khi đó, theo dự kiến, Tổng thống Mỹ Obama sẽ phải chống chọi với sức ép trong nước về việc thiết lập những rào cản thương mại mới và kiểm soát thâm hụt ngân sách đang phình to một khi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất đã qua. Tuy nhiên, CH Séc và nhiều nước láng giềng phía đông của họ đang có mối quan tâm lớn hơn, đó là Tổng thống Obama cam kết điều chỉnh lại quan hệ với Moscow và tái xem xét chính sách triển khai các phần của lá chắn tên lửa ở Trung Âu.
 
Một quan chức cấp cao của CH Séc gần đây đã ví lập trường của Obama đối với Nga giống như những gì diễn ra với John F.Kennedy năm 1961, khi ông gặp lãnh đạo Nga Nikita Khrushchev tại Vienna. Thậm chí ở Đức, nhiều quan chức chính quyền cũng tỏ ra ngạc nhiên khi Obama không đáp trả mạnh mẽ hơn khi Moscow giữ lập trường cứng rắn về vấn đề Gruzia và việc Nga tuyên bố sẽ tái vũ trang quân đội để chống NATO mở rộng dọc biên giới nước này.

Trước thềm chuyến thăm châu Âu đầu tiên của Tổng thống Obama, các quan chức ở Berlin, Paris, London và nhiều nơi khác đã hoan nghênh quyết định đóng cửa nhà tù Guantanamo, theo đuổi đối thoại với Iran và tái cân bằng chính sách Afghanistan. Châu Âu cũng hy vọng phối hợp chặt chẽ với Obama hơn so với thời George W.Bush về những vấn đề như thay đổi khí hậu. Tuy nhiên, ngay trong những tháng đầu Obama nắm quyền, lo lắng đã dấy lên ở một số khu vực tại châu Âu, đặc biệt là ở Berlin và các thành phố Đông Âu.
 
Các quan chức hàng đầu của Đức đã công khai bày tỏ lo lắng về khoản nợ của Mỹ mà Washington sẽ công bố nhằm cấp tiền cho gói kích thích trị giá 787 tỷ USD của Obama. Họ cũng bất bình trước việc một số thành viên trong nhóm của Obama kêu gọi châu Âu chi tiêu nhiều hơn để giúp đỡ cho chính nền kinh tế Mỹ. Dù Obama đã mềm dẻo hơn khi đề cập tới vấn đề “mua hàng Mỹ” trong gói kích thích kinh tế, nhưng những lo ngại không hoàn toàn biến mất vì Washington vẫn có thể dùng biện pháp bảo hộ khi kinh tế Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn. Trong một bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu vào tuần trước, Thủ tướng CH Séc Mirek Topolanek, đương kim chủ tịch luân phiên của EU, đã mô tả việc chi tiêu của Mỹ là đường dẫn tới địa ngục.

Nếu như hội nghị không đưa ra được các biện pháp thiết thực để hỗ trợ những nước nằm ở ngoại biên hệ thống tài chính toàn cầu, các thị trường sẽ lại rơi vào tình trạng tụt giảm thảm hại như ngày 10-2-2009, khi các nhà chức trách không đưa ra được các biện pháp thích hợp để tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama có thể giúp cho Hội nghị G-20 thành công bằng cách đưa ra một giải pháp có thể, trong đó có việc tăng số tiền mà các quốc gia đang phát triển - từ Đông Âu tới châu Phi - có thể vay được từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
                    
GIA HUY (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.