Cuối tuần qua, sau khi nhóm họp tại Horsham (Anh), các bộ trưởng tài chính nhóm G20 đã cam kết thực hiện một nỗ lực bền vững để đưa kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái. Mặc dầu đây mới chỉ là cuộc họp trù bị cho hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo G20 vào tháng 4 tới ở London, nhưng nó đóng vai trò xúc tác giữa các nước trong việc thống nhất cách thức đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
Bộ trưởng tài chính nhóm G20 cam kết thực hiện một nỗ lực bền vững để đưa kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái. |
Tại hội nghị, các bộ trưởng tài chính đã nhất trí đưa ra một tuyên bố chung nêu rõ: “Chúng tôi cam kết tiếp tục thực hiện những nỗ lực bền vững cần thiết để khôi phục phát triển toàn cầu, hỗ trợ cho vay và cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu”. Về khôi phục phát triển kinh tế toàn cầu, các bộ trưởng tài chính đã thực hiện những hành động quyết đoán, có phối hợp và toàn diện, nhằm tăng nhu cầu và việc làm. Ngoài ra, họ cũng chuẩn bị làm mọi việc cần thiết cho tới khi sự phát triển được khôi phục.
Các quan chức G20 cam kết chống mọi hình thức bảo hộ và tiếp tục mở cửa buôn bán và đầu tư. Các ưu tiên chủ chốt hiện giờ là khôi phục cho vay bằng cách giải quyết các vấn đề trong hệ thống tài chính và sẽ bảo đảm khôi phục sự phát triển và ổn định lâu dài. Các bộ trưởng và thống đốc ngân hàng trung ương cũng cam kết giúp những nền kinh tế đang nổi lên và đang phát triển đối phó với sự đảo lộn của dòng chảy vốn quốc tế, nhất trí về nhu cầu cần thiết phải tăng nguồn cung cấp cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) một cách đáng kể, gồm tăng cường hỗ trợ song phương, mở rộng và tăng đáng kể những thỏa thuận cho vay mới.
Về củng cố hệ thống tài chính, các quan chức G20 đã hoàn thành những bước cần làm ngay trong Kế hoạch hành động Washington và hoan nghênh việc mở rộng diễn đàn ổn định tài chính (FSF) tới toàn bộ các thành viên G20. Các quan chức G20 cũng kiến nghị Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo G20 sắp diễn ra bảo đảm rằng, mọi thể chế tài chính quan trọng, các thị trường phải chịu những quy định và giám sát thích hợp, các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc những người quản lý của nó phải đăng ký và tiết lộ các thông tin thích hợp để đánh giá những rủi ro mà họ đặt ra.
Các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương G20 cũng thống nhất củng cố hợp tác quốc tế để ngăn ngừa và giải quyết khủng hoảng. Các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển, gồm cả những nền kinh tế nghèo nhất, phải có tiếng nói và sự đại diện lớn hơn, việc cải tổ ngân hàng thế giới phải được hoàn tất vào năm 2010.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tài chính có nguy cơ kéo dài, các bộ trưởng tài chính đã phát đi thông điệp rằng, họ sẽ cùng làm việc để tìm phương cách giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay. Thủ tướng Anh Gordon Brown kêu gọi phải cùng nhau làm việc để đem lại niềm tin. Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Kaoru Yosano thì cho rằng: “Một quốc gia đơn lẻ không thể nào giải quyết nổi cuộc khủng hoảng hiện thời”. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cảnh báo rằng, một kế hoạch kích thích mà không đi kèm những nỗ lực ổn định khu vực ngân hàng sẽ không mang lại những lợi ích lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu.
Tuy bản tuyên bố chung được công bố sau phiên họp tạm thời đặt qua một bên những bất đồng, chủ yếu là giữa châu Âu và Mỹ về phương cách đối phó với khủng hoảng kinh tế, nhưng rõ ràng, các bất đồng này vẫn còn tồn tại cho đến cuộc họp thượng đỉnh nhóm G20 vào đầu tháng tư tại London. Cụ thể là việc Mỹ kêu gọi các nước bỏ thêm tiền cứu trợ để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi một số quốc gia tại châu Âu nhấn mạnh đến chuyện cần phải thay đổi các quy tắc hoạt động của thị trường tài chính. Quan điểm của Mỹ, được Anh hậu thuẫn, là muốn chính phủ các nước, đặc biệt tại lục địa châu Âu, chi tiêu nhiều hơn để đưa kinh tế thoát khỏi cảnh trì trệ. Trong khi đó, các nước châu Âu lại lo ngại cho mức thâm hụt ngân sách vốn đã lên khá cao.
Dù đã chi hàng trăm tỷ USD nhằm phục hồi kinh tế Mỹ, nhưng chính quyền của Tổng thống Obama vẫn muốn mở “mặt trận” thứ hai: gây sức ép để EU và các quốc gia khác bơm nhiều tiền hơn và có nhiều chương trình hành động để tự cứu vãn các nền kinh tế đó, nhằm mang lại sức mạnh tổng hợp chung cho toàn thế giới. Các bộ trưởng tài chính châu Âu bác bỏ lời đề nghị của Mỹ về việc có thêm nhiều kế hoạch để chống lại khủng hoảng kinh tế. Đây được coi là những tiềm ẩn có thể sẽ gây ra mâu thuẫn tại Hội nghị G20 vào tháng 4 tại Anh.
BĂNG CHÂU