.

Lãnh đạo EU nỗ lực hạ hỏa cơn khủng hoảng trong khối

.
(ĐNĐT) - Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm qua, 1-3, đã gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở Brussels, Bỉ nhằm dẹp bỏ những mối quan ngại đang ngày một lớn, rằng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch quốc gia sẽ phá hoại những nỗ lực phối hợp nhằm xoay chuyển cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

 
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trước báo giới tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels hôm 1-3. Ảnh: Bloomberg.
Hội nghị thượng đỉnh được triệu tập bởi Thủ tướng Cộng hòa Czech và là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Mirek Topolánek, và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso, nhằm ngăn chặn việc hình thành một mối bất hòa Đông-Tây trong nội bộ EU.

"Chúng tôi không muốn thêm bất kỳ đường phân chia nào nữa. Chúng tôi không muốn một châu Âu bị chia cắt dọc theo tuyến Bắc-Nam hay Đông-Tây", ông Topolanek nói trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh. "Những nỗ lực và các biện pháp chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế trong nội bộ EU phải tôn trọng nguyên tắc đoàn kết, nhưng tất cả các thành viên cũng cần phải thể hiện trách nhiệm của mình".
 
Kết thúc hội nghị, các lãnh đạo EU phát biểu rằng, họ quyết tâm tránh các động thái bảo hộ mậu dịch trong việc đối phó với khủng hoảng. Trong một tuyên bố của mình, các lãnh đạo ra sức trấn an công chúng, hứa hẹn sẽ gìn giữ một thị trường chung duy nhất, thúc đẩy tăng trưởng và bác bỏ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. "Có một sự đồng lòng nhất trí đối với sự cần thiết phải tránh khỏi bất kỳ biện pháp bảo hộ mậu dịch đơn phương nào", chủ tịch EC tuyên bố.

Hungary đã kêu gọi một gói cứu trợ tài chính lớn cho các thành viên mới hơn, thuộc phía đông của khối, tuy nhiên đã bị Đức, thành viên giàu nhất của EU, bác bỏ và nhận được không nhiều sự ủng hộ từ các nước khác. Thủ tướng Hungary Ferenc Gyurcsany đã cảnh báo về "một Tấm màn sắt mới" chia cắt châu Âu và kêu gọi một quỹ đặc biệt của EU lên tới 190 tỷ euro, tức 241 tỷ USD, để bảo vệ các thành viên yếu nhất trong khối.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, vấn đề của các nước phải được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể nhưng không giải thích rõ cách thức đó sẽ như thế nào. Trong khi đó, Thủ tướng Czech Mirek Topolanek khẳng định không thành viên nào sẽ bị bỏ rơi "trong lúc gặp hoạn nạn".

Bên cạnh đó, các lãnh đạo EU cũng thống nhất các nguyên tắc chung trong việc làm thế nào để chính phủ có thể mua lại các khoản nợ xấu từ các ngân hàng để giải phóng hoạt động cho vay. Các ngân hàng hiện nay đang để dành tiền mặt nhằm trang trải cho những tổn thất lớn từ các mối đầu tư bị chao đảo về giá trị trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính.

N.L (Theo IHT, CNN, BBC)
;
.
.
.
.
.