.

Mỹ và Trung Quốc đồng ý giảm căng thẳng trên Biển Đông

.

Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý giảm căng thẳng và tránh lặp lại đối đầu giữa các tàu của cả hai bên ở khu vực Biển Đông khi hai nước đang tập trung bình ổn kinh tế thế giới. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì đang ở thăm Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết: Cả hai chúng tôi đã đồng ý sẽ hợp tác để bảo đảm rằng, những vụ việc tương tự sẽ không lặp lại.

Tổng thống Evo Morales giơ lá côca lên trong suốt bài phát biểu của mình.

Theo bà Hillary, hai bên đã tuyên bố lập trường riêng của mình, nhưng điểm quan trọng của sự đồng thuận có được sau cuộc thảo luận giữa bà với Ngoại trưởng Dương Khiết Trì là trong tương lai, cả hai phải nỗ lực để tránh các vụ việc tương tự như vừa qua ở Biển Đông. Bà Hillary nhấn mạnh, chuyến thăm của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì là diễn biến rất tích cực và bà mong tiếp tục các cuộc thảo luận mà bà đã khởi động với ông trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng trước, để xây dựng một mối quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện. 

Ông Dương tới Washington để làm việc với bà Hillary và ông Geithner nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp và đang phát triển G20 sẽ diễn ra vào tháng 4 tại thủ đô London của Anh. Và tại đây, Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ có cuộc gặp nhau lần đầu tiên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Wood trước đó cho biết, Washington và Bắc Kinh sẽ không để bất đồng làm chệch hướng mục tiêu chung. Quan chức này thừa nhận, “có những việc đã xảy ra gây căng thẳng, nhưng điều quan trọng nhất là Mỹ và Trung Quốc cần phối hợp để giải quyết một loạt vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đương đầu”.

Hôm 12-3, ông Dương Khiết Trì gặp Tổng thống Barack Obama và cố vấn an ninh quốc gia James Jones. Theo người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs, vụ việc trên biển hôm 8-3 sẽ được thảo luận, nhưng không phải là chủ đề chính trong các cuộc gặp này.  Phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs nói với các phóng viên rằng, “Tôi không nghĩ, cuộc tranh cãi sẽ phủ bóng lên cuộc gặp mà Tổng thống sẽ khẳng định rõ lập trường của Mỹ”. Người phát ngôn này nói thêm, cuộc gặp giữa Tổng thống và Ngoại trưởng Trung Quốc cũng tập trung vào cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Barack Obama đang phải đối mặt với một “phép thử quan trọng” từ Trung Quốc trong vụ đối đầu hải quân trên Biển Đông vừa qua và hiện cả thế giới đang theo dõi phản ứng từ phía ông chủ mới của Nhà Trắng. Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mark Kirk nhận định: “Câu chuyện này sẽ lan tỏa khắp thế giới và sẽ được theo dõi sát sao ở CHDCND Triều Tiên, Iran và Syria. Thật ngạc nhiên là, Trung Quốc đã thử thách tàu Mỹ vào thời điểm chỉ hai tuần nữa là đến cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ở London vào tháng 4.

Đây là một phép thử sớm đối với Tổng thống Mỹ, nhưng nó nằm đúng trong kế hoạch”. Vị nghị sĩ này cho rằng, Chính quyền Obama cần phải có phản ứng mạnh mẽ, có thể bằng cách gửi tàu thăm dò không vũ trang trở lại khu vực để tỏ rõ rằng, Washington không thể bị đe dọa trong hải phận quốc tế. Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc lại cho rằng, việc Lầu Năm Góc nhấn mạnh vụ đối đầu trên Biển Đông đã đi ngược lại chính sách mềm dẻo mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố sẽ theo đuổi.

Hiện, quân đội Trung Quốc đang xây dựng căn cứ tàu ngầm lớn nhất của Hải quân nước này ở Hải Nam. Theo các chuyên gia, kế hoạch đó khiến Mỹ, Nhật Bản cùng nhiều nước khác trong khu vực cảnh giác, vì vậy, Hải quân Mỹ đã cử tàu thăm dò USNS Impeccable tới Biển Đông để thu thập thông tin. Tuy nhiên, một chuyên gia về quân sự và luật pháp quốc tế của Australia lại nhìn nhận rằng, vụ việc cho thấy sự can thiệp của Trung Quốc vào quyền tự do hàng hải của các tàu chiến nước ngoài hoạt động hòa bình ngoài khơi. 
                                
BĂNG CHÂU (Theo AFO, SCMP, Reuters)

;
.
.
.
.
.