.

Obama phủ nhận thỏa thuận mật với Nga

.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phủ nhận thông tin cho rằng, ông đã đề nghị với Nga một thỏa thuận, theo đó Washington sẽ trì hoãn việc triển khai lá chắn tên lửa ở châu Âu để đổi lấy sự hỗ trợ của Moscow trong tháo gỡ bế tắc hạt nhân với Iran.

Tổng thống Nga Medvedev cũng khẳng định không có trao đổi nào từ phía Mỹ.

Theo New York Times, Tổng thống Obama đã chuyển tới tận tay Tổng thống Nga Medvedev vào tháng trước thông điệp này, qua một viên chức cao cấp Mỹ. Tuy nhiên, phát biểu với báo giới ngay sau buổi tiếp Thủ tướng Anh Gordon Brown tại Nhà Trắng, ông Obama nói: “Thông tin trên tờ New York Times không phải nội dung chính xác của lá thư. Những gì tôi nói trong thư là những điều tôi đã công khai, đó là hệ thống phòng thủ tên lửa mà chúng ta đã bàn cách triển khai được nhắm vào Iran, chứ không phải Nga”. Ông Obama khẳng định, những gì ông nói “chính xác là chúng ta đang hạ bớt quyết tâm của Iran về vũ khí hạt nhân, tiếp đến giảm bớt áp lực về sự cần thiết của hệ thống phòng vệ tên lửa”.

Tại Tây Ban Nha, ông Medvedev cũng cho biết, không có sự trao đổi nào như thế được đề nghị. Ông cũng cho rằng, các cuộc đàm phán về hệ thống phòng thủ hạt nhân với chương trình hạt nhân của Iran sẽ không mang lại hiệu quả gì. Ông Medvedev nhắc lại, Moscow sẵn sàng thảo luận các kế hoạch phòng thủ tên lửa phù hợp với lợi ích của Nga, châu Âu và Mỹ.

Báo chí Mỹ không tiết lộ nhân vật nào đã trao thông điệp kể trên đến Tổng thống Nga, nhưng hồi tháng trước, đặc sứ của Bộ Ngoại giao Mỹ William Burns đã tới Moscow, để chuẩn bị cho cuộc tiếp xúc giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và đề ra một số ý kiến để cải thiện quan hệ song phương. Vào ngày 6-3, tại Geneve, Ngoại trưởng Mỹ Hillary sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Lavrov để thảo luận về vấn đề phòng thủ hạt nhân, trước khi Tổng thống Obama và Tổng thống Medvedev gặp nhau tại London vào ngày 2-4.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Washington muốn tái khởi động các cuộc đàm phán với Moscow về Iran. Có hai lựa chọn: Một là hợp tác với nhau để thuyết phục Iran không tiếp tục chương trình tên lửa đạn đạo của họ, hai là làm Nga trở thành một đối tác đầy đủ trong lá chắn tên lửa Đông Âu. Phát ngôn viên Robert Gibbs của Nhà Trắng nhấn mạnh: “Nếu hợp tác với các đồng minh của chúng ta và Nga, chúng ta có thể loại bỏ mối đe dọa này. Sau đó, các bạn loại bỏ được động lực đằng sau hệ thống được thiết kế để chống mối đe dọa đó”.

Mỹ và một số nước châu Âu lo ngại, Iran đang tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân và lo ngại về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Những tên lửa đó có thể được sử dụng để mang đầu đạn hạt nhân đi xa. Tehran quả quyết chương trình hạt nhân của nước này chỉ phục vụ mục đích sản xuất điện năng. Moscow đã sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ trong một số lần để giảm bớt hoặc bác bỏ các nỗ lực của Mỹ tăng cường cấm vận Iran.
 
Tổng thống Nga Medvedev phát biểu tại một cuộc họp báo rằng, Moscow sẵn sàng đàm phán với Washington về lá chắn tên lửa Đông Âu, song coi chương trình hạt nhân của Iran là một vấn đề riêng rẽ. Ông nói: “Nếu chính quyền mới của Mỹ thể hiện thiện chí và đề xuất một cơ cấu tên lửa phòng thủ mới mà thỏa mãn những yêu cầu của châu Âu và có thể chấp nhận được đối với chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng thảo luận việc đó”.

Hôm 3-3, Mỹ và 5 cường quốc khác là Anh, Pháp, Nga, Đức và Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Iran - một sự thay đổi chính sách so với chính quyền Bush. Chính quyền Bush đã tìm cách cô lập Iran và từ chối đàm phán trực tiếp. 
   
GIA HUY (Theo Reuters, BBC, AFP)

;
.
.
.
.
.