.

Pakistan tháo ngòi nổ khủng hoảng chính trị

.

Sáng 16-3, Chính phủ Pakistan đã đồng ý phục chức cho Chánh án Tòa án Tối cao Iftikhar Chaudhry. Quyết định này sẽ giúp làm dịu cuộc khủng hoảng chính trị, vốn làm bùng phát những trận chiến đường phố và làm dấy lên những lo ngại về tình trạng bất ổn ở Pakistan trong thời điểm bạo lực Hồi giáo tăng cao.

Các luật sư và những nhà hoạt động thuộc đảng đối lập vui mừng sau khi Chính phủ Pakistan tuyên bố phục chức cho Chánh án Iftikhar Chaudhry.

Tổng thống Pakistan đương nhiệm, người được Quốc hội bầu lên 6 tháng trước đây, lo ngại cuộc chiến pháp lý chống lại Chính phủ sẽ gây ra một làn sóng gay gắt chống lại ông cũng như đe dọa vị trí của ông, trong bối cảnh Pakistan đang đối đầu với những vấn đề khó khăn về kinh tế. Các lãnh đạo và luật sư phe đối lập đã tuyên bố biểu tình ngồi tại Quốc hội vào cuối ngày 16-3 cho tới khi ông Iftikhar Chaudhry được phục chức.

Trong bài phát biểu sáng 16-3, Thủ tướng Pakistan Yousuf Gilani tuyên bố, Chánh án Chaudhry sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 21-3. Ông Gilani ra lệnh, toàn bộ luật sư, các nhà hoạt động chính trị bị bắt giữ hồi tuần trước, phải được thả ngay lập tức. Bài phát biểu của ông Gilani đã tạo nên những màn múa hát ăn mừng bên ngoài nhà ông Chaudhry tại Islamabad.

Chính phủ Pakistan đã nhượng bộ sau khi hàng nghìn người biểu tình do ông Nawaz Sharif, lãnh đạo đảng đối lập lớn nhất nước này và là đối thủ lâu năm của Tổng thống Asif Ali Zardari, tới Islamabad để tham gia cuộc biểu tình. Ông Sharif đã phớt lờ lệnh quản thúc tại gia ở Lahore, Punjab - nơi những người ủng hộ ông đang giao chiến với cảnh sát.

Phát ngôn viên đảng đối lập Pervaiz Rasheed cho biết, đảng này đã nhận được quyết định của Chính phủ với việc phục chức cho ông Chaudhry từ các “sứ giả” và ông Sharif sẽ phát biểu trước những người ủng hộ. Baz Mohammad Kakar, một lãnh đạo của phong trào các luật sư cho biết: “Đó là một thắng lợi cho người dân nước này. Chaudhry là chánh án đầu tiên trong lịch sử Pakistan chứng tỏ mình là một thẩm phán, chánh án của nhân dân”.

Cựu Tổng thống Pervez Musharraf sa thải ông Chaudhry hồi năm 2007, sau khi chánh án này nhận thụ lý các đơn thách thức sự cầm quyền của ông và làm dấy lên làn sóng biểu tình buộc Tổng thống phải rời bỏ quyền lực năm 2008. Người kế nhiệm của ông Musharraf là Tổng thống Zardari cam kết phục chức cho ông Chaudhry trong vòng 30 ngày, kể từ khi nhậm chức, nhưng lại nuốt lời vì e ngại vị chánh án này sẽ kiểm tra thỏa thuận mà ông và vợ - cố Thủ tướng Benazir Bhutto ký với ông Musharraf về việc miễn cho họ khỏi xét xử vì các cáo buộc tham nhũng.

Các luật sư và những nhà hoạt động dân quyền cam kết theo đuổi vụ việc của ông Chaudhry, coi đó là bước đi đầu tiên quan trọng để có một quan tòa độc lập ở Pakistan. Hệ thống tòa án ở Pakistan thường được cho là bị những nhà cầm quyền trước đây lạm dụng nhằm củng cố quyền lực. Các giới chức đối lập cho biết, cảnh sát đã áp đặt lệnh quản thúc tại gia hai anh em ông Sharif. Ông Sharif lên án hành động này là “bất hợp pháp” và đã rời khỏi nhà cùng một đoàn xe hơi. Tình hình ngày càng căng thẳng khiến Pakistan tuyên bố đặt quân đội trong tình trạng báo động.

GIA HUY (Theo AP, Reuters, BBC)

;
.
.
.
.
.