Theo thông báo của CHDCND Triều Tiên, vào khoảng từ ngày 4 đến 8-4 tới, nước này sẽ tiến hành phóng vệ tinh viễn thông Kwangmyongsong-2. Động thái này gây lo ngại cho một số nước đồng minh của Mỹ về khả năng tên lửa Taepodong-2 vươn tới các bang Hawaii hay Alaska của Mỹ.
Ảnh chụp qua vệ tinh cơ sở phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên ở Musudan Ri. |
Còn các chuyên gia quân sự khác thì cho rằng, CHDCND Triều Tiên chưa có khả năng xây dựng và lắp đặt đầu đạn hạt nhân lên tên lửa. Theo ông Mullen, nếu thậm chí đây đúng là một vụ phóng vệ tinh như thông báo, nó sẽ giúp cho Triều Tiên phát triển tên lửa tầm xa. “Những gì tôi lo ngại là sự chỉ đạo, kỹ thuật, động cơ, tất cả đều giống với khả năng bạn đã có một tên lửa đạn đạo”, ông cho biết.
Trong khi đó, Nhật đã bật đèn xanh cho quân đội bắn hạ bất kỳ tên lửa nào của Triều Tiên có nguy cơ nhắm vào nước này. Tàu chiến Mỹ và Nhật đã được triển khai trước thời gian từ ngày 4 đến 8-4. Tuy nhiên, ông Mullen từ chối bình luận về khả năng đối phó của Mỹ đối với vụ phóng. Những chỉ huy cấp cao khác của Mỹ cho biết, họ có đủ tự tin rằng, quân đội Mỹ sẽ bắn hạ được bất kỳ tên lửa nào đe dọa Mỹ, nhờ hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển và trên đất liền của mình.
Hiện nay, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tiếp tục nỗ lực tìm biện pháp đối phó với căng thẳng ngày càng gia tăng trên bán đảo này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Wood cho biết, các đặc phái viên Mỹ và Nhật Bản về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã bắt đầu các cuộc thảo luận tại Washington. Trước đó, Trưởng đoàn đám phán hạt nhân của Hàn Quốc Wi Sung-lak cũng đã lên đường sang Mỹ để thảo luận các biện pháp đối phó với kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên.
Trong chuyến thăm Mỹ, Trưởng đoàn Wi Sung-lak gặp Đặc phái viên Mỹ về chính sách Triều Tiên Stephen Bosworth và Đặc phái viên phụ trách đàm phán 6 bên Sung Kim. Ba trưởng đoàn đàm phán Hàn-Nhật-Mỹ cũng thảo luận về các nỗ lực ngoại giao, nhằm ngăn chặn việc phóng tên lửa của Bình Nhưỡng và thảo luận các phương án trừng phạt sẽ đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nếu vụ phóng tên lửa được thực hiện.
Theo thông tin mới nhất, hôm 29-3, Hãng tin Yonhap cho biết, “vệ tinh do thám đã phát hiện được phần trên của tên lửa đang đặt trên bệ phóng vì tấm vải phủ đã được tháo. Tuy nhiên, hiện chưa thể nói vật đã được lắp vào phần đầu của tên lửa là một vệ tinh hoặc một đầu đạn”. Với việc Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa lần này, Nhật Bản và Mỹ đang cố gắng thông qua một nghị quyết trừng phạt tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng điều này xem ra sẽ rất khó khăn.
Liệu Hội đồng Bảo an có thông qua nghị quyết trừng phạt này hay không vẫn là một câu hỏi lớn, bởi tổ chức này sẽ khó có thể chấp nhận những luận cứ mà Nhật Bản hay Mỹ đưa ra, kể cả cho rằng “tên lửa đạn đạo hay tên lửa vệ tinh có cách chế tạo giống nhau, do đó, việc phóng thử (dù là tên lửa đạn đạo hay vệ tinh) đều đe dọa tới ổn định của khu vực”.
Hơn nữa, Bình Nhưỡng đã tuân thủ luật pháp quốc tế khi thông báo rõ ràng về kế hoạch phóng thử vệ tinh của nước này, cũng như những khu vực nguy hiểm sẽ xảy ra trong quá trình phóng tên lửa với Tổ chức Hàng hải Quốc tế và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế. Điều này cho thấy, Bình Nhưỡng không hề vi phạm các điều ước quốc tế, nếu nước này kiên quyết khẳng định việc phóng vệ tinh là “hoạt động chinh phục vũ trụ vì mục đích hòa bình”.
Trước đây, khi phóng thử tên lửa Taepodong-1 vào tháng 8-1998, Triều Tiên cũng tuyên bố đó là vụ phóng vệ tinh. Dù khi đó Bình Nhưỡng không thông báo trước những khu vực nguy hiểm liên quan tới vụ phóng tên lửa, Nhật Bản cũng chỉ thành công trong việc triệu tập phiên họp bất thường của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để đánh giá về vấn đề này.
Ngoài ra, mọi hành động cứng rắn đối với Triều Tiên cũng khó có thể được các bên còn lại trong bàn đàm phán 6 bên ủng hộ. Đến giờ phút này, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc mới chỉ có thể cho biết về cơ bản, Trung Quốc nhất trí việc Triều Tiên phóng thử tên lửa sẽ không có lợi đối với an ninh trên bán đảo Triều Tiên hay toàn bộ khu vực Đông Bắc Á.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Borodavkin, một thành viên của đàm phán 6 bên, tuyên bố rằng, mọi vấn đề nảy sinh từ vụ phóng này phải được giải quyết thông qua đối thoại và tham vấn với tất cả các bên liên quan. “Chúng tôi đã bày tỏ lập trường này với họ, cũng như các đối tác khác của chúng tôi và sẽ tiếp tục giữ nguyên quan điểm đó”, ông nói.
Trong số tất cả các nước láng giềng với Triều Tiên, Nhật Bản đã phản ứng mạnh mẽ nhất, bởi vệ tinh sẽ bay qua không phận nước này. Quân đội Nhật đã bố trí 3 tàu khu trục trang bị các hệ thống tên lửa tối tân tới vùng biển Nhật Bản và gửi các khẩu đội pháo của hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot đi bảo vệ bờ biển phía bắc, nhằm đối phó kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên. Nhật Bản cho biết sẽ bắn hạ bất kỳ vật thể nguy hiểm nào rơi xuống nước này, nếu vụ phóng của Triều Tiên không thành công.
Tuy nhiên, các quan chức Nhật nhấn mạnh, các biện pháp trên hoàn toàn là để phòng trước và khả năng các mảnh vỡ rơi xuống Nhật là rất thấp. Chính vì vậy, một số nhà phân tích đánh giá, Nhật Bản đang phản ứng thái quá. Hajime Izumi, giảng viên đại học chính trị quốc tế Shizuoka, kêu gọi chính phủ cân nhắc hơn nữa. “Việc triển khai là không thể tránh khỏi dù khả năng phóng tên lửa của Triều Tiên thất bại là rất ít. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, nó sẽ tạo ra ấn tượng rằng, vụ phóng chắc chắn 100% sẽ bị hỏng. Chính phủ nên có giải thích thận trọng hơn nữa”, ông nhận xét.
ĐOÀN LƯƠNG