.

Pháp thận trọng trước những tham vọng của NATO

.

Việc Pháp phản đối một vai trò toàn cầu của Khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), khiến nước này va chạm với các tham vọng của các thành viên quyền lực khác trong liên minh, đặc biệt là Mỹ và Anh. Những tranh cãi đã diễn ra khi Tổng thống Nicolas Sarkozy chuẩn bị chính thức hóa sự trở lại của Pháp trong Bộ Chỉ huy NATO sau 43 năm vắng bóng. Điều đó sẽ diễn ra trước khi Pháp và Đức tổ chức hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập NATO vào ngày 3 và 4-4.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Herve Morin trả lời báo giới về sự trở lại của Pháp trong Bộ Chỉ huy NATO.

Sự trở lại của Pháp trong Bộ Chỉ huy NATO sẽ cho Paris nhiều tiếng nói hơn trong việc lên các chương trình và kế hoạch hành động của khối, đồng thời khuấy động một cuộc cải tổ trong NATO. Alastair Cameron thuộc Royal United Services Institute (RUSI) của Anh nhận định: “Pháp nhận thấy Bộ Chỉ huy NATO là một cơ quan đầu não, nhưng đội ngũ nhân sự thực thi các nhiệm vụ dân sự không tương xứng với những người làm các nhiệm vụ quân sự. Nếu thành công, sự quay trở lại của Pháp sẽ tạo ra một mốc quan trọng trong tiến trình cải tổ tại NATO”. Động thái của Pháp nhiều khả năng sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh với Anh - một cường quốc quân sự hàng đầu ở Tây Âu - để giành sự chú ý trong chính quyền của Obama.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Herve Morin cho biết, Paris không ủng hộ ý tưởng về một “NATO toàn cầu” và kêu gọi đối thoại với Nga trước khi Liên minh này mở rộng. Thông điệp của ông Morin có thể liên quan đặc biệt tới Ivo Daalder, người được Tổng thống Barack Obama chỉ định làm Đại sứ Mỹ ở NATO. Daalder là người ủng hộ một “NATO toàn cầu” và chỉ trích quan điểm thiện chí với Nga của Pháp và Đức về khả năng mở rộng Liên minh.

Theo chuyên gia phân tích Francois Heisbourg - Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược ở Paris, “NATO toàn cầu” là một thuật ngữ khó hiểu. Một số người cho rằng, cụm từ này nói về việc tăng số lượng thành viên bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ, một việc có thể phức tạp về mặt pháp lý do những quy định của chính Liên minh và của Liên Hợp Quốc (LHQ). Nhiều người khác coi đây là một lời kêu gọi mở rộng phạm vi xử lý các sự cố quân sự về mặt địa lý.

Thế vượt trội của Mỹ và Anh trong NATO đã khiến cho cố Tổng thống Pháp Charles de Gaulle nhanh chóng cắt giảm các mối quan hệ với liên minh này vào năm 1966. Morin nói rằng, một sự mở rộng của NATO trong tương lai - chẳng hạn lấn sâu vào các nước Xô Viết cũ như Ukraine và Gruzia - không thể được quyết định mà không bàn thảo với nước Nga.

Theo Cameron, Giám đốc Chương trình An ninh châu Âu của RUSI, người Anh tương đối cẩn trọng về những gì nước này dự định, liên quan tới việc Pháp tiếp cận các hội đồng mới và các quyết định mới. Pháp, với vai trò được nâng cao, có thể nhắm tới việc thu thập các mối liên kết bên trong NATO nhưng không bao giờ từ bỏ xu hướng là một thành viên tương đối độc lập. 
             
GIA HUY (Theo AFP, BBC, AP)

;
.
.
.
.
.