.

Quyền của phụ nữ ở Afghanistan

.

Năm 2003, khi Mariam 11 tuổi, cha mẹ buộc cô phải kết hôn với một giáo sĩ mù 41 tuổi. Giá của cô dâu là 1.200 USD. Số tiền này đã giúp người cha nghiện ngập của Mariam trả hết nợ. 

Việc bảo vệ phụ nữ vẫn còn là lý thuyết ở nhiều nơi trên đất nước Afghanistan.  (Ảnh: NYT) 

Mariam về sống với chồng và mẹ chồng nhưng bị xem như người ở. Họ bắt đầu đánh đập Mariam sau khi cô sẩy thai. Sau 2 năm chịu đựng, Mariam đã trốn khỏi nhà và tìm đến một trạm cảnh sát ở Kabul nhờ giúp đỡ. Lẽ ra, cảnh sát Afghanistan hoặc sẽ tống giam Mariam vì luật cấm người phụ nữ lang thang một mình trên đường phố, hoặc đưa cô trở về với chồng. Song, họ đã đưa cô đến một tòa nhà 2 tầng ở khu vực kế cận: một nơi ở dành cho phụ nữ nhưng trước năm 2003, nơi này không được mọi người biết đến. 

 Từ khi chế độ Taliban sụp đổ vào năm 2001, quan niệm về quyền của phụ nữ bắt đầu được chú ý đến. Điều này thể hiện trong Hiến pháp mới của Afghanistan, đồng thời được Bộ Các vấn đề về phụ nữ phát triển và cộng đồng phụ nữ ở nước này tán thành. Nhưng họ vẫn phải đối mặt nhiều vấn đề vốn đã trở thành “thâm căn cố đế” trong đời sống văn hóa và được hình thành trong luật bộ tộc.
 
Những vấn đề này làm thay đổi cuộc sống của những người phụ nữ trẻ như Mariam, hiện nay 17 tuổi. Cho đến bây giờ, cô vẫn không muốn sử dụng đầy đủ tên thật của mình. Manizha Naderi - Giám đốc của Tổ chức phụ nữ Afghanistan (WAW), một trong 4 tổ chức là chỗ dựa của phụ nữ nước này - nói rằng: “Đây là một xã hội gia trưởng. Phụ nữ thuộc sở hữu của đàn ông. Đây là truyền thống”. 

Những nơi ở dành cho phụ nữ bị chỉ trích rằng, đó là sự lai căng vào xã hội Afghanistan - nơi mà các vấn đề gia đình, cộng đồng theo truyền thống phải được giải quyết thông qua sự dàn xếp của lãnh đạo bộ tộc và các hội đồng. Việc ép buộc hôn nhân cho các cô gái là một phần của những tác động xã hội giữa các bộ tộc và gia đình trong hàng thế kỷ qua. Bây giờ điều này vẫn đang được tiếp tục với tuổi kết hôn hợp pháp của nam là 18 và nữ là 16. Đánh đập, hành hạ và buôn bán phụ nữ vẫn trở nên phổ biến. 
 

 Sau 2 năm bị lạm dụng, Mariam đã bỏ trốn và tìm đến sự giúp đỡ của cảnh sát.  (Ảnh: NYT)

Khi chưa có những nơi ở dành riêng, một người phụ nữ bị lạm dụng hôn nhân thường không có nơi nào để đi. Nếu họ tìm về nhà của mình thì có thể bị cha hoặc anh trai đưa trở lại nhà chồng để bảo vệ danh dự cho gia đình. Hơn nữa, một người phụ nữ bỏ trốn có thể bị đuổi ra khỏi nhà. Vì thế, nhiều người đã tìm đến cái chết, một phần là để thoát khỏi sự đau khổ. “Đây là văn hóa im lặng” - Mary Akrami, giám đốc Trung tâm Phát triển Kỹ năng phụ nữ Afghanistan nói.
 
Theo bà Akrami, đại đa số nạn nhân bị lạm dụng cảm thấy xấu hổ khi nói về vấn đề của mình. Nabila Wafez, quản lý dự án ở Afghanistan về quyền của phụ nữ thuộc Medica Mondiale - một tổ chức phi chính phủ của Đức chuyên ủng hộ phụ nữ và trẻ em ở các vùng xung đột, cho hay: năm 2005, một số tổ chức xã hội ở Afghanistan không công khai thừa nhận rằng họ đang làm việc vì quyền của phụ nữ. Wafez nói: “Quyền của phụ nữ là một từ mới đối với họ. Nhưng bây giờ, chúng ta rất cởi mở khi nói về điều này”. 

Những người ủng hộ phụ nữ khẳng định, họ không có ý chia tách phụ nữ với gia đình, trái lại cố gắng kết nối phụ nữ và gia đình với nhau thông qua việc can thiệp, hòa giải và hướng dẫn. Naderi, được sinh ra ở Afghanistan nhưng lớn lên ở New York (Mỹ) và tốt nghiệp trường Cao đẳng Hunter nói rằng: “Mục đích của chúng tôi không phải là đưa phụ nữ đến nơi ở riêng nếu không thật sự cần thiết. Chỉ trong những trường hợp người phụ nữ sẽ gặp nguy hiểm nếu quay trở về nhà, chúng tôi mới đưa họ đến nơi ở khác”. Naderi cho biết, nếu việc hòa giải thất bại, luật sư thuộc tổ chức của bà sẽ thay mặt cho thân chủ thuyết phục việc ly hôn. Đồng thời, tổ chức của Naderi còn xúc tiến việc tìm chồng mới cho nhiều thân chủ.  

Nơi ở dành cho những phụ nữ gặp bất hạnh trong cuộc sống gia đình ở Afghanistan. (Ảnh: NYT)

Khi Mariam đến với WAW vào năm 2007, các luật sư đã đưa trường hợp của cô ra tòa án gia đình. Chồng của Mariam đã năn nỉ cô trở về nhà, cam kết sẽ không đánh đập vợ nữa. Và Mariam đã chấp thuận. Nhưng khi quay về nhà, chẳng bao lâu sau, Mariam lại bị đánh đập và cô lại bỏ đi một lần nữa. Mariam Ahadi - cố vấn pháp lý của WAW và là cựu công tố liên bang ở Afghanistan - cho biết trường hợp của Mariam được chuyển lên tòa án hình sự bởi cô gái 17 tuổi này nói rằng người chồng đã đe dọa giết cô.

Tại nơi trú ngụ dành cho phụ nữ, nhiều người vẫn kể với nhau về những câu chuyện đau lòng như thế. Đó cũng là lý do vì sao Mariam cùng nhiều người khác lại không muốn dùng tên thật của mình. Một trường hợp khác, Nadia (17 tuổi), sống tại khu của Akrami từ năm 2007, kể lại: chồng của Nadia cãi nhau với cha của cô. Khi Nadia đang ngủ, anh ta đã cắt mũi và tai của cô khiến cô phải trải qua 6 lần phẫu thuật.

Những người ủng hộ phụ nữ cho biết, phản ứng của Chính phủ Afghanistan đối với các vấn đề trên đã tích cực hơn nhiều kể từ khi chế độ Taliban bị lật đổ. Cảnh sát Afghanistan cũng đã thành lập một đơn vị đặc biệt chuyên về các vấn đề gia đình. Nhưng thực tế, việc bảo vệ phụ nữ vẫn còn là lý thuyết suông ở nhiều nơi trên đất nước này, nhất là ở nông thôn.

Trường hợp của Mariam, giờ đây, cô gái 17 tuổi này cảm thấy may mắn khi tìm được nơi ẩn náu yên ổn. Khi được hỏi về tương lai, Mariam cho biết: “Tôi muốn ly dị, và sau đó tôi muốn học”. Tuy nhiên, sau tất cả những gì mà Mariam đã chịu đựng, gia đình của cô vẫn không thay đổi. Em gái của Mariam đã kết hôn vào năm ngoái, khi mới 9 tuổi, để nhận về 400 USD trả nợ. Em gái út mới 6 tuổi dường như cũng có một số phận tương tự. 
        
THIÊN BÌNH (Theo IHT)

;
.
.
.
.
.