.

Triển vọng mới cho tiến trình hòa bình Trung Đông

.

Công đảng của Israel đã bỏ phiếu để gia nhập chính phủ do ông  Benjamin Netanyahu thành lập, góp một tiếng nói ôn hòa vào một liên minh do những người theo đường lối cứng rắn chi phối, đồng thời giảm nhẹ nguy cơ đối đầu với Washington về tiến trình hòa bình Trung Đông.

 Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak (phải) trong một cuộc họp nội các ở Jerusalem.

Với tỷ lệ phiếu 680/507, các đại biểu Công đảng đã ủng hộ thỏa thuận về việc thành lập liên minh cầm quyền mà lãnh đạo đảng này, Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Ehud Barak, đạt được một ngày trước đó. Trong thỏa thuận, ông Netanyahu cam kết tiếp tục các cuộc đàm phán với người Palestine. Công đảng được coi là nhóm tiên phong trong các nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho Trung Đông, nhưng đã thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử ngày 10-2, khi chỉ giành được 13 trong số 120 ghế tại Quốc hội.
 
Thỏa thuận này sẽ cho phép ông Netanyahu mở rộng liên minh vốn phụ thuộc nhiều vào sự ủng hộ của các đảng liên quan đến tôn giáo hoặc đảng cánh hữu. Ông Barak nhiều khả năng sẽ tiếp tục nắm giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng như hiện nay. Cũng với thỏa thuận này, ông Netanyahu sẽ có được đa số 66 ghế cần thiết trong Quốc hội. “Tôi chúc mừng các vị đã tham gia chính phủ thống nhất vào thời khắc quan trọng này”, ông Netanyahu nói với Bộ trưởng Quốc phòng Barak sau khi Công đảng ra quyết định. 

Trước đó, Thủ tướng Netanyahu đã đạt được thỏa thuận liên minh với các Đảng Yisrael Beitenu và Shas - những đảng theo đường lối cứng rắn với vấn đề Palestine. Theo dự kiến, với vị trí then chốt trong nội các mới là Bộ trưởng Quốc phòng, ông Barak có thể cho phép Công đảng thúc đẩy các nỗ lực hòa bình với người Palestine. Tuy nhiên, khả năng ông Avigdor Lieberman, Chủ tịch Đảng Yisrael Beiteinu được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng có thể làm lu mờ vai trò của Barak. Ông Lieberman được coi là một chính trị gia phân biệt chủng tộc, do ông đòi cộng đồng người Ảrập thiểu số ở Israel thề trung thành với Nhà nước Do Thái hoặc bị mất quyền công dân.

Hiện tại, ông Netanyahu vẫn hoài nghi về các cuộc đàm phán hòa bình với Palestine. Các cuộc đàm phán do Mỹ hậu thuẫn trong năm qua đã không mang lại kết quả cụ thể nào, bởi cả giới lãnh đạo Israel lẫn Palestine dường như quá yếu, nên không thể đưa ra những nhượng bộ cần thiết về các vấn đề then chốt, chẳng hạn như vấn đề đường biên giới, người tị nạn và các khu định cư Do Thái.

Ông Netanyahu cho rằng, Palestine chưa sẵn sàng cho một nhà nước và thay vào đó gợi ý về tập trung phát triển kinh tế Palestine. Palestine đã bác bỏ ý kiến này và đã nhận được sự hậu thuẫn của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Bà Hillary đã nhiều lần nhấn mạnh trong suốt chuyến thăm Trung Đông hồi đầu tháng rằng, mục tiêu của Washington là thành lập một Nhà nước Palestine cùng tồn tại hòa bình cạnh Israel.

Một lựa chọn nữa để thúc đẩy đa số của chính phủ Netanyahu tại Quốc hội là sự tham gia của Đảng Kadima. Đảng Kadima của Ngoại trưởng Livni đã giành được 28 ghế trong Quốc hội, nhiều hơn 1 ghế so với Đảng Likud của Netanyahu. Tuy  nhiên, cho tới nay bà Livni vẫn không muốn tham gia liên minh.
Một liên minh rộng hơn sẽ mang lại sự ổn định cho chính phủ mới, bởi như vậy chính phủ sẽ không bị khống chế làm theo các đòi hỏi của các đảng nhỏ hơn trong liên minh. Ngoài ra, một chính phủ như vậy cũng sẽ có uy tín quốc tế lớn hơn, do một số thành viên muốn theo đuổi tiến trình hòa bình với Palestine.

Ông Netanyahu phải thành lập chính phủ liên minh trước ngày 3-4. Ông hy vọng sẽ nhậm chức vào tuần tới, thay thế Thủ tướng Ehud Olmert. Ông Olmert đã tuyên bố sẽ từ chức để chống lại một loạt cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích coi việc ông Barak gia nhập chính phủ liên minh của Netanyahu là âm mưu bảo vệ quyền lực cá nhân. Tờ Yediot Ahronot bình luận: “Quyết định này chẳng liên quan gì tới lợi ích của quốc gia. Trong trường hợp tốt nhất, nó phục vụ lợi ích của Công đảng. Trong trường hợp xấu nhất, nó phục vụ lợi ích của một vài thành viên của đảng này”.

BĂNG CHÂU (Theo  AP, Reuters)

;
.
.
.
.
.