Trong văn phòng của Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan có một bản đồ chỉ rõ một nửa đất nước này là vùng nguy hiểm. Hàng chục khu vực trong số 364 địa phương được tô đen, nghĩa là những vùng này nằm dưới sự kiểm soát của Taliban, và 156 địa phương khác được tô màu thể hiện tính rủi ro cao. Bản đồ này cũng đặt ra một câu hỏi vẫn chưa có lời giải: với bối cảnh như thế, trong vòng chưa đầy 5 tháng nữa, Afghanistan có thể tổ chức cuộc bầu cử tổng thống được không?
Cử tri đăng ký bầu cử tại Kunduz, miền bắc Afghanistan. (Ảnh: EPA) |
Hiện có những mối quan ngại rằng, vào lúc đó, nếu lực lượng NATO và Afghanistan có thể thiết lập an ninh đảm bảo tại các điểm bỏ phiếu đi chăng nữa, cuộc bầu cử vẫn có nguy cơ xấu đe dọa đến tính hợp pháp hiện tại và tương lai của chính quyền Afghanistan. Lực lượng nổi dậy Taliban chiếm lĩnh một khu vực rộng lớn, nhất là ở tỉnh miền nam Kandahar, Helmand, Oruzgan và Zabul. Vì thế, các quan chức phương Tây và Afghanistan cho rằng, cho dù có thêm sự hiện diện của 30.000 binh sĩ Mỹ trong năm 2009 này thì các cuộc bầu cử cũng không diễn ra ở một vài khu vực.
Trong các cuộc phỏng vấn, một số người dân Afghanistan cho biết, họ không tin tưởng bầu cử sẽ diễn ra suôn sẻ. Họ tiên đoán rằng, chiến tranh và tình trạng bấp bênh cùng với việc thiếu một tiến trình từ chính phủ sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc bầu cử, đồng thời khiến nhiều người không thể tham gia bỏ phiếu. Trong khi đó, các ứng viên đối lập đang quan tâm đến tính gian lận có thể xảy ra và chăm chăm “vạch lá tìm sâu” về tính bất hợp pháp trong việc đăng ký bầu cử.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa được chỉ định mới đây, ông Hanif Atmar, nhận thấy trách nhiệm nặng nề đối với mình khi phải đương đầu với các thách thức: lực lượng cảnh sát được huấn luyện kém và không được trả lương đầy đủ nhưng lại phải đảm bảo an ninh cho các cuộc bầu cử. Ông Hanif Atmar cho biết, lực lượng NATO và Mỹ sẽ được triển khai cùng với lực lượng an ninh Afghanistan ở những khu vực có tính rủi ro cao, nghĩa là hầu như mọi nơi tại miền nam thủ đô Kabul, vùng núi và sa mạc.
Đồng thời, riêng lực lượng Afghanistan cũng sẽ triển khai tại những khu vực an ninh an toàn hơn ở phía bắc… Song, cho dù như thế nào đi nữa, lực lượng Mỹ, NATO, Afghanistan cũng có cùng nhiệm vụ: ngăn chặn sự nổi dậy - vốn leo thang từ năm 2006 đến nay, và đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra bầu cử.
Các quan chức phương Tây tại Afghanistan cảnh báo việc có thêm lực lượng Mỹ và NATO cũng quá ít và quá muộn để có thể thay đổi thế trận quân sự vốn tồn tại ở miền nam quốc gia Nam Á này và tất cả mọi nỗ lực quân sự đều phải dồn vào trong đợt bầu cử. Trong khi đó, các quan chức thuộc Ủy ban bầu cử cho hay, việc cử tri đăng ký đi bầu đã thành công.
Trong các tuyên bố, người phát ngôn Taliban nói rằng họ phản đối cuộc bầu cử Tổng thống theo hệ thống bị người nước ngoài áp đặt. Taliban quyết tâm đối phó với “sự thâm nhập” của lực lượng Mỹ. Những cuộc tấn công gần đây do các chiến binh nổi loạn và Al-Qaeda thực hiện, bao gồm những vụ đánh bom và tấn công của nhiều tay súng nhằm vào các tòa nhà chính phủ, đã chứng minh tham vọng và sự tinh vi của lực lượng này.
Cựu Ngoại trưởng Abdullah - ứng viên của phong trào đối lập chính Mặt trận Dân tộc - cảnh báo rằng sức mạnh của chiến binh nổi loạn và sự hoài nghi đối với chính phủ Afghanistan đang gia tăng, dẫn đến sự thất bại của chính quyền nhiều khu vực. Theo ông Abdullah, tình hình sẽ tiếp tục xấu hơn dưới chính quyền của Tổng thống Hamid Karzai và sẽ đặt ra nhiệm vụ vô cùng khó khăn cho tổng thống kế nhiệm.
Tỉnh Helmand thường xảy ra bạo lực và bất ổn. |
Nhiều nhà quan sát còn cho rằng, trong cuộc đua sít sao giữa các đối thủ, có thể sẽ phải bầu cử vòng 2 vào tháng 10-2009. Một số ứng viên tổng thống đang lo ngại việc ông Karzai sẽ sử dụng quyền lực của mình để phục vụ cho chiến dịch tranh cử. Băn khoăn việc sẽ bị mất đi khoảng 600.000-800.000 cử tri, cựu Bộ trưởng tài chính - ứng viên tổng thống Ashraf Ghani kêu gọi phải có một ủy ban giám sát Ủy ban bầu cử và một ủy ban khác giám sát việc tổng thống sử dụng quyền lực và hiến pháp.
Với tình hình thực tại, chưa có gì đảm bảo cho một cuộc bầu cử suôn sẻ, bình yên sẽ diễn ra ở một đất nước có quá nhiều bất ổn như Afghanistan.
THIÊN BÌNH (Theo New York Times)