.

Biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan

.

* Bộ Ngoại giao Thái Lan tìm cách dẫn độ Thaksin về nước

Trong những ngày qua, hàng loạt cuộc biểu tình chống chính phủ đã diễn ra rầm rộ trên khắp đất nước Thái Lan khi những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra gia tăng áp lực, đòi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva từ chức. Để xoa dịu căng thẳng, Thủ tướng Abhisit quyết định hủy cuộc họp nội các ngày 31-3, viện dẫn không có vấn đề cấp thiết nào trong chương trình nghị sự.


 Những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin tuần hành ở bên ngoài Tòa nhà Chính phủ tại Bangkok.

Chính phủ của ông Abhisit đã nỗ lực hết sức để tránh xảy ra bất kỳ một sự đối đầu nào với Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD), lực lượng đã bao vây Tòa nhà Chính phủ kể từ ngày 26-3. Ông Abhisit đã tham vấn Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban về những gì đang diễn ra xung quanh Tòa nhà Chính phủ, trước khi quyết định hủy cuộc họp nội các. Suthep, người chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh, cho tờ Bangkok Post biết: Chính phủ sẽ không sử dụng các biện pháp bạo lực để giải tán những người biểu tình. Mục đích của phe áo đỏ là rất rõ ràng. Họ đang cố gắng kích động bạo lực. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ không rơi vào cái bẫy này. Chúng tôi sẽ nhẫn nại.

Làn sóng biểu tình hòa bình nhằm chứng tỏ sự ủng hộ dành cho Thaksin Shinawatra diễn ra ở hầu hết các tỉnh phía bắc và đông bắc, nơi vị Thủ tướng bị lật đổ vẫn được rất nhiều người yêu mến. Đó là các tỉnh: Chiang Mai, Chiang Rai, Lampang, Nan, Phayao, Kanchanaburi, Ayutthaya, Udon Thani, Nakhon Ratchasima, Ubon Ratchathani và Khon Kaen. Những người mặc áo đỏ đã tuần hành tại các tòa thị chính, một số người thậm chí còn cắm trại qua đêm.

Trong khi đó, người biểu tình ở Bangkok tiếp tục bao vây Tòa nhà Chính phủ. Đám đông cho biết, họ đang chờ đợi một tín hiệu từ các lãnh đạo UDD ở Bangkok để kéo tới thủ đô tham gia bao vây Tòa nhà Chính phủ. Họ tuyên bố sẽ sát cánh với các đồng sự, nếu Chính phủ định phá vỡ cuộc biểu tình tại Văn phòng Thủ tướng. Làn sóng biểu tình ở nhiều tỉnh ngoài Bangkok được tổ chức sau khi Thaksin kêu gọi những người ủng hộ ông trên toàn Thái Lan hãy đứng lên và chứng tỏ sức mạnh của mình.

Trong một cuộc trò chuyện qua video từ một địa điểm bí mật, cựu Thủ tướng Thaksin nói với người ủng hộ: “Chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi nào chúng ta phục hồi được nền dân chủ. Chính phủ được thiết lập bởi một cuộc đảo chính thầm lặng. Đó không phải là một chính phủ dân chủ. Cuộc đảo chính đó được tiến hành bởi Tòa án Hiến pháp, quân đội và Chủ tịch Hội đồng Cơ mật”.

Thaksin cáo buộc Tướng Prem và Ủy viên Hội đồng Cơ mật Surayud Chulanont tham gia lên kế hoạch vụ đảo chính lật đổ ông ngày 19-9-2006. Ông tuyên bố sẽ quay trở về Thái Lan để gia nhập đội ngũ những người ủng hộ, nhằm gây sức ép lên chính phủ liên minh, nếu vũ lực được sử dụng để trấn áp biểu tình tại Tòa nhà Chính phủ. “Chúng ta sẽ tới Bangkok từ mọi ngả. Chúng ta không nao núng và tôi cũng sẽ gia nhập. Hôm nay, tôi không tới bởi vì tôi không muốn gây rắc rối. Nhưng tôi sẽ không ngại”, Thaksin tuyên bố.

Trong khi Thaksin tăng cường cuộc chiến chống chính phủ thì Bộ Ngoại giao Thái Lan đang xúc tiến các nỗ lực nhằm dẫn độ ông này về nước. Ngoại trưởng Kasit Piromya cho biết, Đại sứ quán Thái Lan ở Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) đang sắp xếp thảo luận với các nhà chức trách nước sở tại về vấn đề này.

Theo một nguồn tin của Bộ Ngoại giao, một khi lịch trình được sắp xếp, các chuyên gia pháp luật Thái Lan thuộc Bộ Ngoại giao và Văn phòng Tổng Chưởng lý sẽ tổ chức họp để chuẩn bị cho một hiệp định dẫn độ với quốc gia vùng Vịnh. Ông Thaksin đang sử dụng thành phố Dubai, thuộc UAE làm một trong những căn cứ của mình sau khi ra nước ngoài sống lưu vong. 
       
BĂNG CHÂU (Theo Bangkok Post)

;
.
.
.
.
.