* Mỹ: Vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên thất bại
Theo các nguồn tin nước ngoài, CHDCND Triều Tiên khẳng định sáng 5-4, nước này đã phóng thành công một vệ tinh viễn thông vào quỹ đạo Trái Đất và vệ tinh này đã bắt đầu hoạt động.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin các nhà khoa học và chuyên gia nước này đã thành công trong việc đưa vệ tinh Kwangmyongsong-2 vào quỹ đạo nhờ tên lửa đẩy Unha-2, một hoạt động nằm trong kế hoạch quốc gia về phát triển không gian.
Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên. Ảnh: AFP |
Hãng thông tấn AFP dẫn nguồn KCNA cho biết vệ tinh nói trên đã quay ổn định trong quỹ đạo và hiện đang truyền phát các dữ liệu và bản nhạc ca ngợi cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành cùng con trai ông là nhà lãnh đạo Kim Jong Il.
Theo KCNA, tên lửa đẩy gồm 3 tầng được phóng lên lúc 11g20 (tức 2g20 GMT), sớm hơn 10 phút so với thời gian do Hàn Quốc thông báo, và đã đưa vệ tinh Kwangmyongsong- 2 vào quỹ đạo sau đó 9 phút 2 giây. Vệ tinh này mang theo thiết bị đo đạc và truyền thông.
KCNA nhấn mạnh việc phóng vệ tinh lần này có ý nghĩa quyết định trong việc thúc đẩy các dự án nghiên cứu vũ trụ vì mục đích hòa bình và giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong hoạt động phóng vệ tinh vì mục đích các mục đích thiết thực.
Một số nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết tầng đẩy thứ hai của tên lửa đã rơi xuống Thái Bình Dương, cho thấy vụ phóng đã thành công. Trước đó, CHDCND Triều Tiên thông báo tầng đẩy thứ nhất của tên lửa sẽ rơi xuống vùng biển cách Nhật Bản 75 km về phía Tây và tầng thứ hai sẽ rơi xuống Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, vài giờ sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thành công một vệ tinh viễn thông vào quỹ đạo Trái Đất, quân đội Mỹ cho biết vụ phóng này đã thất bại.
Báo cáo của Bộ Tư lệnh lực lượng phòng không vũ trụ Bắc Mỹ (ADC) và Bộ Chỉ huy miền Bắc nước Mỹ, công bố chiều 5-4, nêu rõ "tầng thứ nhất của tên lửa do Triều Tiên phóng đã rơi xuống vùng biển Nhật Bản".
Các tầng còn lại cùng với thiết bị mang vệ tinh đã rơi xuống Thái Bình Dương. Tuyên bố trên cũng khẳng định "không có vật thể nào bay vào quỹ đạo cũng như không có mảnh vỡ nào rơi xuống Nhật Bản".
Phản ứng về vụ phóng vệ tinh
Trước đó, nhiều nước trên thế giới đã có nhiều phản ứng khác nhau về vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên.
Phát biểu với các phóng viên tại Văn phòng Thủ tướng, Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cho biết Chính phủ Nhật Bản đang tiếp tục theo dõi vụ việc này, đồng thời chỉ thị Chính phủ phải xác nhận sự an toàn lãnh thổ của Nhật Bản cũng như các vùng hoạt động của tàu thuyền Nhật Bản, tiếp tục thu thập thông tin và cung cấp thông tin kịp thời cho công chúng.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Lee Dong-kwan tuyên bố Hàn Quốc "lấy làm tiếc về vụ phóng tên lửa liều lĩnh" của CHDCND Triều Tiên, coi đây là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh trên bán đảo Triều Tiên và thế giới".
Tại Wasington, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, CHDCND Triều Tiên phải "kiềm chế không để có thêm các hành động khiêu khích".
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Liên minh châu Âu cùng cho rằng, những hành động của CHDCND Triều Tiên là không có lợi cho những nỗ lực thúc đẩy đàm phán, hòa bình và bình ổn trong khu vực.
Trong khi đó, Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi tất cả các bên phải bình tĩnh và hành động một cách có chừng mực, đồng thời tỏ ra sẵn sàng với một "vai trò mang tính xây dựng".
Tại trụ sở LHQ ở New York, các nhà ngoại giao đã bắt đầu thảo luận về các hành động tiếp đối với Bình Nhưỡng trong một cuộc họp khẩn cấp theo đề xuất của Nhật Bản,.
N.L (Theo TTXVN, CNN, BBC, Reuters)