.

Chính phủ Thái Lan sẽ sớm bình ổn tình hình trong nước?

.

Cuối tuần qua, làn sóng biểu tình chống Chính phủ của phe áo đỏ đã dâng cao khiến Hội nghị ASEAN phải hoãn đến tháng 8. Thủ tướng Abhisit đã cáo buộc những người biểu tình đột nhập vào địa điểm tổ chức hội nghị ở Pattaya là “kẻ thù của đất nước” và nhấn mạnh, sẽ thực thi hành động pháp lý để xử phạt họ.

 Arisman Pongruengrong (đội mũ), lãnh đạo những người biểu tình phá vỡ Hội nghị ASEAN, đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ hôm 12-4.

Tuy nhiên, những gì vừa xảy ra đã làm tổn hại rất lớn đến hình ảnh của Thái Lan, cũng như gây ảnh hưởng tiêu cực đối với sự tin tưởng của người dân ở đất nước chùa vàng này. Và liệu Chính phủ Thái Lan có sớm bình ổn được tình hình trong nước hay không, khi phe áo đỏ vẫn nhất quyết biểu tình cho đến khi Thủ tướng Abhisit từ chức?

Hôm 11-4, giữa lúc một số nhà lãnh đạo ASEAN đang chờ dự Hội nghị Thượng đỉnh với ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, thì hàng trăm người biểu tình chống Chính phủ đã vượt qua hàng rào cảnh sát, xông vào khu khách sạn. Những người biểu tình chống Chính phủ đã huy động xe taxi phong tỏa các con đường ở Pattaya, khiến cuộc gặp gỡ giữa ba nhà ngoại giao Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng không thể diễn ra.

Thủ tướng Abhisit Vijjajiva đã buộc phải quyết định đình chỉ vô thời hạn cuộc họp thượng đỉnh, và cấp tốc di tản các nhà lãnh đạo nước ngoài đang có mặt tại khách sạn bằng trực thăng. Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso, đang ở nơi khác, cũng đã đi xe ra sân bay trở về nước. Riêng Thủ tướng Australia đang bay đến Thái Lan đã bay ngược trở về khi nghe tin này.

Ngay sau đó, Thủ tướng Abhisit đã lên đài truyền hình để thông báo là Chính phủ đã ban hành tình trạng khẩn cấp ở Pattaya cũng như ở tỉnh Chonburi lân cận vào chiều 11-4. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, nhà chức trách Thái Lan đã dỡ bỏ sắc lệnh này, sau khi các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác rời khỏi Thái Lan an toàn bằng đường hàng không.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đang ở thăm Lào tỏ ý lấy làm tiếc về việc Thái Lan phải hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh Pattaya. Các nhà lãnh đạo châu Á cũng bày tỏ thái độ thông cảm với Chính phủ Thái Lan về sự việc đáng tiếc xảy ra. Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng, bất ổn chính trị là chuyện nội bộ của Thái Lan và ông vẫn ủng hộ Thái Lan trong cương vị Chủ tịch ASEAN. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng khẳng định, Bắc Kinh hiểu và thông cảm với quyết định trên của Chính phủ Thái Lan và hy vọng nước này có thể duy trì được sự ổn định chính trị, cũng như sự đồng thuận trong xã hội và phát triển kinh tế.

Với tư cách là Chủ tịch luân phiên nhóm đối tác của ASEAN, gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết, ba nước sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực khi hội nghị trên được nối lại. Theo người phát ngôn của Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso, nhà lãnh đạo Nhật Bản cho rằng, hủy bỏ hội nghị là một sự việc “đáng tiếc”, song theo ông, điều này là không thể tránh khỏi, mặc dù Chính phủ Thái Lan đã nỗ lực hết sức để ổn định tình hình.

Dẫu vậy, việc hoãn Hội nghị ASEAN tại Pattaya cuối tuần qua đã cho thấy diễn tiến bất ổn đang tiếp tục xảy ra ở Thái Lan. Đây không phải là lần đầu tiên, một nhóm biểu tình đã “bắt” chính phủ làm con tin và cản trở nghiêm trọng công việc của Nhà nước. Vào năm ngoái, những người mệnh danh là phe áo vàng đã từng xuống đường rầm rộ, chiếm giữ trụ sở Chính phủ, rồi sau đó chiếm giữ hai sân bay Bangkok suốt nhiều ngày, làm tê liệt giao thông hàng không của nước này.

Hậu quả là Chính phủ thân cựu Thủ tướng Thaksin bị sụp đổ. Thủ tướng Abhisit lên cầm quyền tháng 12 năm ngoái, sau khi tòa án phán quyết Chính phủ với nhiều thành phần thân Thaksin là bất hợp pháp. Nay đến lượt phe áo đỏ ủng hộ Thaksin, cũng với quyết tâm buộc Thủ tướng Abhisit từ chức, đã liên tục biểu tình trong những ngày qua ở thủ đô Bangkok. Thủ tướng Abhist đã hy vọng sẽ tổ chức thành công hội nghị Pattaya để chứng tỏ cho thế giới thấy rằng, tình hình Thái Lan đã trở lại bình thường. Hơn thế nữa, Hội nghị Pattaya là hội nghị thượng đỉnh quan trọng đầu tiên, kể từ cuộc họp G20 ở London bàn phương cách đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trong khi nhà chức trách Thái Lan đang điều tra xem tại sao cảnh sát không kiểm soát được đám đông biểu tình, thì thủ lĩnh đối lập Natthawut Saikua tuyên bố với những người biểu tình rằng, “chiến sự tại Pattaya” đã kết thúc và nay họ cần quay trở lại Bangkok. Ông Natthawut Saikua nói: “Chúng ta đã chiến thắng, tất cả các thành viên áo đỏ tại Pattaya sẽ quay lại để tham gia biểu tình trước Văn phòng Chính phủ”.

Theo giới phân tích, trong vài ngày tới, tình hình sẽ tạm lắng vì Thái Lan mừng ngày lễ đầu năm theo Phật lịch. Nhưng sau đó, phe áo đỏ sẽ tiếp tục trở lại chiến dịch của họ để lật đổ Chính phủ Abhisit. Báo giới Thái Lan nhận định, cuộc đọ sức này có lẽ sẽ chưa biết bao giờ mới chấm dứt, bởi Thủ tướng Abhisit đã dứt khoát không từ chức dưới áp lực của phe áo đỏ, trong khi phe này vẫn nhất quyết biểu tình cho tới khi nào ông Abhisit chấp nhận ra đi mới thôi.
                                        
BĂNG CHÂU 

;
.
.
.
.
.