.
Cuộc gặp đầu tiên Obama-Medvedev:

Phép thử cho sự hợp tác Nga-Mỹ

.

Hội nghị thượng đỉnh G20 với sự tham gia của những nền kinh tế phát triển và đang phát triển khai mạc ngày hôm nay (2-4) sẽ thảo luận các biện pháp nhằm đưa kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng, cải cách những quy định của hệ thống tài chính. Mỗi quốc gia lại có mong đợi khác nhau về hội nghị này. Đặc biệt, cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng nhiệm Nga Dmitry Medvedev ở London được xem như một phép thử về sự sẵn sàng hợp tác giữa hai cường quốc, mà mối quan hệ song phương đã rơi vào băng giá kể từ thời Chiến tranh Lạnh. 

 Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng nhiệm Nga Dmitry Medvedev (ảnh) ở London được xem như một phép thử về sự sẵn sàng hợp tác giữa hai nước.

Các quan chức Nga thừa nhận rằng, Obama không trao cho Moscow mọi thứ mà nước này mong muốn. Một danh sách dài những yêu cầu gồm: ngừng mở rộng NATO, hủy bỏ lá chắn phòng thủ tên lửa ở châu Âu và một hiệp ước cắt giảm vũ khí mới là thứ mà Moscow đưa ra. Trong chương trình nghị sự G20, Nga sẽ đứng về phía Đức và những nước châu Âu khác đang phản đối kế hoạch đưa thế giới thoát khỏi suy thoái bằng cách chi tiêu nhiều hơn của Anh và Mỹ. Nga ủng hộ lời kêu gọi của Thủ tướng Đức Angela Merkel về những quy định thị trường thay vì một kế hoạch kích thích có phối hợp.

Cả Nga và Mỹ hiện đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề cấp bách - từ kiểm soát vũ khí, chương trình hạt nhân Iran, cho tới cuộc chiến ở Afghanistan và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Hai bên đã tuyên bố sẵn sàng gạt sang một bên những bất đồng để hợp tác với nhau. Tổng thống Dmitry Medvedev đã bày tỏ quan điểm của Nga trên tờ Washington Post rằng:
 
“Các lĩnh vực có thể hợp tác là rất nhiều. Cả Nga và Mỹ đều không thể chấp nhận tình trạng lãnh đạm và buông xuôi trong các mối quan hệ của chúng tôi”. Tổng thống Medvedev cho biết, ông đã nhất trí với Tổng thống Obama rằng, ưu tiên trước mắt là nối lại tiến trình giải trừ quân bị bị trì hoãn dưới thời ông Bush. Hai nhà lãnh đạo đồng ý sẽ phục hồi nỗ lực đó bằng cách tiến hành các cuộc hội đàm về một hiệp ước thay thế cho Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược năm 1991 (START I) vốn đã hết hạn từ tháng 12 năm ngoái.

Denis McDonough, một phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nhận xét: “Rõ ràng, bầu không khí chung quanh mối quan hệ của chúng tôi với Nga đã được cải thiện đáng kể trong vài tuần qua. Tuy nhiên, hợp tác cùng nhau sẽ là một cơ hội để chúng tôi thực hiện điều đó cụ thể hơn nữa”. Chẳng hạn, Nga và Mỹ đều phản đối tham vọng hạt nhân của Iran, nhưng Moscow cho rằng, mối đe dọa không nghiêm trọng như Washington nghĩ và nước này sử dụng quyền phủ quyết của mình ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để giảm bớt các đòn trừng phạt nhằm vào Tehran.

Nga ủng hộ cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan năm 2001 và không muốn chứng kiến sự hồi sinh của Taliban. Trong khi cho phép NATO vận chuyển quân nhu qua lãnh thổ của mình để vào Afghanistan, Moscow được cho là đã khuyến khích Kyrgyzstan ra lệnh đóng cửa một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ tại quốc gia Trung Á này.

Những khác biệt về các vấn đề quan trọng khác nhiều khả năng sẽ vẫn tồn tại, có nguy cơ làm chậm hoặc hạn chế sự cải thiện trong quan hệ hai bên. “Là những nước thực tế, chúng tôi quá hiểu về những bất đồng đang chia rẽ hai bên và không hề ảo tưởng rằng, chúng sẽ được gỡ bỏ một cách dễ dàng”, trích lời Sergei Prikodko, cố vấn chính sách ngoại giao của Tổng thống Medvedev. Những vấn đề đó bao gồm: sự khẳng định của ông Medvedev về một tầm ảnh hưởng đặc quyền của Nga, một tuyên bố nhấn mạnh sự phản đối mạnh mẽ của Kremlin trước nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine và Grudia.

Hiện chưa rõ hai nhà lãnh đạo Obama và Medvedev sẽ giải quyết thế nào bản kế hoạch xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa của ông Bush ở Ba Lan và CH Séc, nhằm ngăn chặn các tên lửa tầm xa mà Iran đang phát triển. Trước sự phản đối kịch liệt của Nga, Tổng thống Obama ngụ ý sẽ “xếp xó” kế hoạch này, song không nói rõ ông có hủy bỏ hay không. Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cũng tỏ dấu hiệu rằng, sự hợp tác của Nga trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân Iran sẽ làm giảm nhu cầu lắp đặt một hệ thống phòng thủ.

Tuy nhiên, Tổng thống Medvedev coi đề nghị trên là một trong những trở ngại đối với mối quan hệ tốt đẹp. Ông cũng đề cập đến sự mở rộng của NATO về phía Đông và một cuộc tranh cãi xoay quanh một hiệp ước hạn chế triển khai quân ở châu Âu. Nhiều chuyên gia hy vọng rằng, ông Medvedev sẽ không biến kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ thành một vấn đề tại cuộc gặp đầu tiên với người đồng nhiệm Obama. Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí nhận định rằng:
 
“Obama đã nói rằng, ông sẽ không thúc đẩy việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa nếu chúng không được chứng minh là mang lại hiệu quả. Nga nên hiểu rằng, Obama sẽ không triển khai hệ thống này ở CH Séc và Ba Lan, bởi vì nó không tỏ ra
hiệu quả”. 
                             
GIA HUY (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.