Hội nghị G-20 thu hút sự chú ý của thế giới không chỉ bởi kỳ vọng về một phương thức đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay, mà cả những khác biệt nổi lên từ trước đó: mâu thuẫn xuyên Đại Tây Dương và ý tưởng về một đồng tiền quốc tế mới.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Obama đồng ý thiết lập cơ chế “Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ-Trung”. |
Đúng như chờ đợi của dư luận, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp gỡ song phương đầu tiên bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại London, Tổng thống Medvedev nói: “Trong quá khứ, đã có những căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nước chúng ta… Điều này không có lợi cho Mỹ, Nga hay sự ổn định của toàn cầu. Chúng tôi đồng ý mở ra trang mới trong quan hệ này, để khởi động lại mối quan hệ, vì trách nhiệm chung của hai nước với tình hình của thế giới”. Về phía Mỹ, ông Obama cho biết, ông và Tổng thống Nga đã bắt đầu cuộc đối thoại mang tính xây dựng về các vấn đề từ phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố đến ổn định kinh tế.
Trong bản thông cáo chung, hai Tổng thống Nga và Mỹ đã đồng ý khởi động các cuộc đàm phán nhằm giảm bớt kho vũ khí hạt nhân mà hai quốc gia đang nắm giữ trong tay. Vòng đàm phán này nhằm thay thế Hiệp định Start 1, trên nguyên tắc sẽ hết hiệu lực vào tháng 12 tới. Hai Tổng thống cũng đồng ý hợp tác trên hồ sơ phòng thủ chống tên lửa, một vấn đề đã tạo ra căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Moscow dưới thời cựu Tổng thống Bush. Về vấn đề Iran, cả hai ông đều kêu gọi Tehran hợp tác với Liên Hợp Quốc và chứng tỏ cho quốc tế thấy là chương trình hạt nhân của họ nhằm phục vụ mục đích hòa bình.
Ông Medvedev tuyên bố lạc quan về triển vọng bang giao Nga-Mỹ, trong lúc Tổng thống Obama thông báo sẽ công du nước Nga vào tháng 7 tới. Trong cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Obama cam kết thúc đẩy quan hệ song phương và nhận lời mời thăm Trung Quốc trong năm nay. Tuyên bố từ Nhà Trắng cho biết thêm, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực như kinh tế, thương mại, tiết kiệm năng lượng, thay đổi khí hậu, chống khủng bố, giáo dục và y tế. Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý thiết lập cơ chế “Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ-Trung”.
Tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Anh Gordon Brown, ông Obama cùng lên tiếng kêu gọi thế giới đoàn kết để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tổng thống Obama nêu lên nhu cầu phải tập trung vào những điểm tương đồng, chứ không phải một vài những bất đồng giữa các cường quốc thế giới. Cả hai nhà lãnh đạo đều nói rằng, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không phải là giải pháp cho cuộc suy thoái toàn cầu. Ông Obama và ông Brown cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đối phó với các vấn đề ở Afghanistan, Trung Đông và quan hệ với Iran.
Nhân dịp này, lãnh đạo Pháp và Đức cũng thống nhất quan điểm: Cần có sự kiểm soát gắt gao hơn đối với hệ thống tài chính thế giới tại Hội nghị G-20. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, hội nghị cần đưa ra những quy định kiểm soát mới theo một ngôn ngữ rõ ràng, trong đó có hạn chế tiền thưởng đối với các lãnh đạo công ty.
Ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo G-20 là làm thế nào để gấp rút quay lại con đường tăng trưởng, đưa kinh tế toàn cầu ra khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, kinh tế thế giới khó có thể “đổi chiều” vào ngày 3-4 và người ta chỉ được chứng kiến sự khởi đầu của một kịch bản nhằm chấm dứt khủng hoảng. Và như vậy, tác động cũng như tổn thất của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.
BĂNG CHÂU (Tổng hợp)