.

Geisha: Xin đừng quấy nhiễu!

.

Tóc túm lại thành cái đuôi ngựa sau gáy, máy ảnh gắn ống kính zoom trong tư thế sẵn sàng, anh Pasi Ponkka kiên nhẫn đứng trước cửa một quán trà ở quận Gion, thành phố cổ Kyoto, Nhật Bản, chờ đợi “khoảnh khắc thích hợp”.

Di tích sống của văn hóa Nhật Bản

Du khách đeo bám các maiko để chụp ảnh.

Pasi - du khách 26 tuổi đến từ đất nước Phần Lan xa xôi - chỉ là một người trong đám đông du khách nước ngoài tụ tập thường xuyên trên phố Hanamikoji - một trong những con đường đẹp nhất trong khu phố cổ của cố đô Kyoto. Họ hy vọng mục kích được, hay chụp được bức ảnh ăn ý về những “maiko”, hay là những cô gái tập sự làm “geisha” (kỹ nữ trong truyền thống văn hóa Nhật Bản). Các geisha và maiko thường xuyên ra vào các quán trà, các phòng tiệc trên phố Hanamikoji, nơi họ múa hát và phục vụ rượu sakê cho khách thượng lưu.

“Những cô gái này đã sống qua bao nhiêu triều đại và còn lại đến ngày nay. Họ không giống với bất cứ cái gì ta nhìn thấy ở Nhật Bản. Phần lớn văn hóa đương đại của Nhật Bản chỉ là sự pha trộn những thứ nhập khẩu từ nước ngoài”, anh Pasi Ponkka nhận xét.

Những thành phố lịch sử của Nhật Bản như cố đô Kyoto rất nổi tiếng về đền đài, cung điện cổ kính. Nhưng trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều du khách đổ xô tới đây để chiêm ngưỡng các maiko và geisha - những kỹ nữ chuyên nghiệp mặc áo ki-mô-nô thêu hoa lá cầu kỳ, mặt tô phấn trắng dày và cử chỉ rất uyển chuyển, thuần thục. Trong trí tưởng tượng của người phương Tây, các cô maiko và geisha là hiện thân của văn hóa truyền thống Nhật Bản, trái ngược hẳn với văn hóa phương Tây.

“Bạn không biết họ là ai, họ làm gì, gần như mọi điều về họ đều được giấu kín. Họ trái ngược hoàn toàn với việc chúng tôi là ai, chúng tôi làm gì ở phương Tây”, bà Anna Kalshoven, du khách Hà Lan đến từ Amsterdam, nhận xét.

Làn sóng du khách nước ngoài diễn ra cùng lúc với đà suy giảm số lượng geisha ở Nhật. Năm 2007 có 927.000 du khách nước ngoài lưu trú qua đêm ở Kyoto, tăng hơn 10% so với 803.000 người năm trước đó (chưa có số liệu thống kê năm 2008). Trong thời gian này, số geisha ở Nhật dự tính chỉ còn khoảng 1.000-2.000 người, giảm rất nhiều so với số lượng 80.000 người vào thập niên 1920.

Mối ác cảm của người địa phương

Các maiko và geisha đang múa hát tại một quán trà ở Kyoto.

Việc du khách theo đuổi các cô geisha và maiko đã gây nên mối ác cảm trong cư dân Kyoto. Cư dân địa phương và các maiko than phiền rằng, du khách nước ngoài trang bị máy ảnh “phục kích” họ và vây quanh các cô gái trẻ để chụp cận cảnh. Đôi khi du khách cản đường đi của họ, giật tay áo, đôi khi còn khiến họ vấp ngã.

Tình hình nghiêm trọng đến nỗi Văn phòng Du lịch Kyoto phải đưa lên trang web của mình lời cảnh báo bằng tiếng Anh: “Xin vui lòng tôn trọng sự riêng tư của các maiko, đừng đi theo họ ngoài đường phố hoặc sờ áo ki-mô-nô của họ”. Ông Rikiya Yamamoto, lãnh đạo một cộng đồng địa phương, gần đây đã phải tổ chức một lực lượng tuần tra để bảo vệ các maiko khỏi sự quấy nhiễu của các du khách ngoại quốc không đứng đắn. “Việc du khách đeo bám dai dẳng đang gây nguy hiểm cho các maiko bởi vì những cô gái này mang guốc ohogo”, ông Rikiya nói. Ohogo là một loại guốc gỗ rất cao góp phần tạo nên dáng đi uyển chuyển của các cô maiko nhỏ nhắn trong bộ áo ki-mô-nô dài chấm đất, nhưng không phù hợp với việc chạy trốn sự đeo bám của những kẻ xa lạ.

Ông Rikiya còn cho biết nhiều trường hợp du khách tự tiện xộc vào các quán trà, vào vườn hoa để chụp hình các geisha đang làm việc. “Đó là những hành vi hết sức bất nhã; thậm chí còn đụng chạm đến sự riêng tư của khách ”, bà Kyoko Sugiura, chủ quán trà Ichiriki-tei rất nổi tiếng ở quận Gion, nói.

Sự khác biệt về nhận thức

Các maiko trên đường tới nơi làm việc.

Còn Saeko, một maiko 16 tuổi, than phiền rằng có lúc cô còn bị giật tóc từ sau lưng khiến cho cô hết sức kinh ngạc. Theo Saeko và nhiều cư dân địa phương, du khách có khuynh hướng coi cả quận Gion này - nơi lưu giữ rất nhiều những phong cảnh truyền thống của cố đô Kyoto, như một công viên văn hóa khổng lồ và tin rằng các maiko có mặt ở đó đang làm nhiệm vụ thu hút du khách.

Ông Rikiya phản bác điều đó. “Họ không phục vụ du khách; họ chỉ đơn giản là đi từ nơi ở đến nơi làm việc là các phòng tiệc hoặc quán trà và trở về. Chúng tôi không phải là những chú chuột Mickey trong công viên Disneyland”, ông Rikiya nói.

Trong thực tế, phần lớn maiko và geisha xuất hiện trên đường phố đều đang đi làm. Khách muốn mời maiko và geisha tới buổi tiệc phải trả “tiền hương” - một khái niệm chỉ thời gian từ khi thắp lên đến khi tàn hết một que hương. Số tiền này được tính từ lúc maiko bắt đầu rời nơi họ ở, gọi là “nhà geisha” tới địa điểm phòng tiệc và trở về tới nhà, tương đương với khoảng 400-500 đô-la Mỹ cho hai tiếng đồng hồ, kể cả thời gian đi lại; vì thế nếu maiko mất nhiều thời gian đi đường thì thời gian dành cho bữa tiệc sẽ bị rút ngắn.

Không chỉ các geisha và maiko ở những khu phố cổ của Kyoto mới là mục tiêu đeo bám của du khách nước ngoài. Trong những năm gần đây, khu chợ cá Tsukiji ở ngoại ô Tokyo cũng thu hút rất đông du khách tham quan và chụp ảnh, đến nỗi từ năm ngoái chính quyền phải ra lệnh cấm du khách vào xem các buổi bán đấu giá cá diễn ra hằng ngày.

Giáo sư Yuji Nakanishi, khoa Du lịch thuộc Đại học Rikkyo ở Saitama gần Tokyo nói rằng, va chạm giữa du khách với người địa phương là do sự khác biệt về nhận thức. “Người Nhật gắn du lịch với việc thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh, trong khi du khách nước ngoài lại muốn tìm hiểu cuộc sống, con người và lối sống. Những nơi như chợ cá không được người Nhật coi là điểm du lịch, trong khi du khách lại muốn biết một sinh hoạt mà họ cho là độc đáo; cả hai bên đều không hiểu lẫn nhau”, ông Yuji nói.

Huỳnh Hoa (Theo New York Times)

 

;
.
.
.
.
.