.

Hai miền Triều Tiên sẽ nối lại đàm phán vào hôm nay

.

Hôm nay (21-4), Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên sẽ thảo luận về khu công nghiệp chung Kaesong, trong cuộc tiếp xúc cấp Chính phủ đầu tiên sau gần 1 năm gián đoạn.

Khu công nghiệp Kaesong là dự án liên Triều duy nhất vẫn còn hoạt động hiện nay.
Kể từ khi Chính phủ mới lên nắm quyền ở Hàn Quốc hồi tháng 2 năm ngoái, đây là lần đầu tiên các cuộc thảo luận dân sự chính thức giữa hai miền Triều Tiên được tổ chức. Nhưng giới phân tích Hàn Quốc cho rằng, cuộc đàm phán này không thực sự mang dấu hiệu hòa hợp giữa hai miền, vì vẫn còn chưa biết chương trình nghị sự của cuộc gặp, dù Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ đưa ra một thông báo quan trọng. Chính phủ Hàn Quốc cho biết, do Triều Tiên đề xuất tiến hành cuộc tiếp xúc liên Triều vào hôm nay, nên Hàn Quốc sẽ hoãn việc tuyên bố tham gia toàn diện vào “Sáng kiến phòng ngừa phổ biến hạt nhân” (PSI) do Mỹ khởi xướng vào sau ngày 21-4, thay vì ngày 19-4. 

Theo người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Seoul đã chấp nhận thảo luận với Bình Nhưỡng về khu công nghiệp Kaesong, nhấn mạnh ưu tiên của Chính phủ nước này là vấn đề an toàn của các công dân Hàn Quốc và sự phát triển của thành phố công nghiệp Kaesong. Hàn Quốc sẽ gửi một phái đoàn đến Triều Tiên trước, trong khi các quan chức trong nước còn thảo luận về ý định của Bình Nhưỡng khi đề xuất đối thoại giữa lúc căng thẳng gia tăng trong quan hệ hai miền. 

Khu công nghiệp Kaesong là dự án liên Triều duy nhất vẫn còn hoạt động hiện nay. Khu công nghiệp này nằm ở thành phố cùng tên tại biên giới phía bắc, bước vào hoạt động từ năm 2005 và được xem là biểu tượng về sự hợp tác kinh tế giữa hai miền. Tháng 12 năm ngoái, Triều Tiên đã hạn chế số nhân viên Hàn Quốc qua biên giới tới làm việc tại Kaesong và trục xuất hàng trăm người khác ra khỏi khu vực này.

Triều Tiên gần đây nói rằng sẽ rút khỏi cuộc đàm phán 6 bên và khởi động lại chương trình hạt nhân, đồng thời bắt giữ một nhân viên Hàn Quốc trong khu công nghiệp Kaesong, khiến tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên xấu đi thêm một bước.

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên ra tuyên bố: “Triều Tiên sẽ phát triển thêm khả năng phòng thủ hạt nhân để tự vệ và bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ, cũng như sự tồn tại và lợi ích tối cao”. Bình Nhưỡng nhắc lại lời cảnh báo Hàn Quốc rằng, việc Seoul tham gia PSI sẽ bị coi là tuyên bố chiến tranh.

Phát ngôn viên quân đội Triều Tiên nhấn mạnh: “Cần nhớ rằng, Seoul chỉ cách biên giới 50 km. Seoul sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc tấn công quân sự từ Triều Tiên, nếu chiến tranh xảy ra”. Bình Nhưỡng có đủ plutonium để chế tạo từ 6 đến 8 quả bom nguyên tử. Ngoài ra, họ còn có thể phân tách đủ nguyên liệu từ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng để sản xuất thêm một quả bom nữa.

GIA HUY (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.