.

Hội đồng Bảo an LHQ tiến gần tới một lập trường chung về vấn đề Triều Tiên

.
(ĐNĐT) - Các nhà ngoại giao cho biết, các quốc gia chủ chốt thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thống nhất một dự thảo tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA) lên án vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên.

 
Một công ty vệ tinh cho rằng đã chụp được hình ảnh này sau khi CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh.
Văn bản được thống nhất giữa các thành viên thường trực của HĐBA và Nhật Bản sau cuộc hội đàm kéo dài 2 giờ đồng hồ ở New York, nói rằng vụ phóng vệ tinh đã vi phạm một nghị quyết của LHQ.

Tuyên bố này được cho là một sự đáp trả kém cứng rắn hơn so với giải pháp mà Mỹ và Nhật Bản theo đuổi.

Một phản ứng chính thức của HĐBA có thể đưa ra dưới nhiều hình thức bao gồm nghị quyết, tuyên bố của chủ tịch hội đồng hoặc các hình thức lên án khác. Tuyên bố của chủ tịch là tuyên bố chính thức cho lập trường quan điểm của HĐBA, phải được tất cả các thành viên trong hội đồng thông qua và sẽ được đọc bởi ngài chủ tịch.

HĐBA sau đó đã có buổi họp kín trong ngày hôm qua để thảo luận về bản dự thảo. Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice cho biết, tuyên bố này sẽ chuyển tải một "thông điệp rõ ràng" tới CHDCND Triều Tiên. "Dự thảo là một nền tảng vững chắc cho một thông điệp rõ ràng và thống nhất của HĐBA", theo ông Claude Heller, Chủ tịch hiện tại của HĐBA và là đại sứ Mexico tại LHQ, nói.

Các nhà phân tích cho rằng dự thảo tượng trưng cho một sự thỏa hiệp.

Dự thảo nêu lên rằng, hội đồng "lên án vụ phóng vệ tinh ngày 5-4-2009 của CHDCND Triều Tiên, là một sự vi phạm nghị quyết 1718 của HĐBA". Tuyên bố cũng thuyết phục Triều Tiên không có thêm động thái nào tương tự và yêu cầu ủy ban cấm vận của LHQ phải thực thi hiệu quả hơn các lệnh cấm vận đối với nước này.

Nhật Bản và Mỹ mặc dù không đạt được cách giải quyết như mong đợi nhưng họ đã đạt được một sự đồng thuận rằng hành động của CHDCND Triều Tiên là vi phạm nghị quyết 1718, một điều mà Trung Quốc và Nga không chấp nhận lúc đầu. Ông Heller cho biết các thành viên sẽ hội đàm với các lãnh đạo nước mình trước khi triệu tập lại vào ngày 20-4 để thông qua các sửa đổi cuối cùng và có khả năng sẽ bỏ phiếu cho dự thảo.

N.L (CNN, BBC)
;
.
.
.
.
.