Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp khẩn vào lúc 2 giờ 15 sáng 6-4 (theo giờ VN) để bàn về việc Triều Tiên phóng tên lửa, nhưng không đạt được kết quả nào. Các nhà ngoại giao cho biết, Hội đồng sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận nhằm xóa bỏ những bất đồng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, các bên sẽ phải mất nhiều ngày mới đạt được một thỏa thuận.
Sự kiện CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh từ căn cứ Musudan-ri thu hút sự quan tâm của người dân Nhật Bản. |
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc khẳng định, Triều Tiên đã thất bại trong những nỗ lực của họ đưa vệ tinh vào vũ trụ, cho dù trước đó vài giờ, Bình Nhưỡng tuyên bố vệ tinh đã được đưa vào quỹ đạo thành công và đang truyền dữ liệu. “Tầng một của hỏa tiễn rơi xuống biển Nhật Bản. Phần còn lại rơi xuống Thái Bình Dương. Không có vật nào bay vào quỹ đạo và không có bộ phận nào rơi xuống Nhật Bản”, Mỹ tuyên bố. Giới chức quân sự Mỹ đánh giá bộ phận phóng vệ tinh này không phải là một mối đe dọa cho vùng Bắc Mỹ hay Hawaii và không có hành động phản ứng trước việc phóng này.
Tuy nhiên, các nước như Trung Quốc và Nga không tán thành. Đại sứ Trung Quốc Zhang Yesui nói rằng, thế giới nên kiềm chế những hành động làm gia tăng căng thẳng. Theo ông này, bất kỳ một hành động nào của Hội đồng Bảo an cũng nên thận trọng và tương xứng. Do những bất đồng giữa các cường quốc lớn, sẽ khó có thể có các lệnh cấm vận mới được đưa ra.
Vì vậy, những gì Mỹ và Nhật Bản muốn là một nghị quyết tăng thêm sức mạnh cho các lệnh cấm vận đã được áp đặt chống Triều Tiên. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc và Nga có đồng ý? Báo chí Triều Tiên cho biết, lãnh đạo Kim Jong-Il đã tới thăm Trung tâm Chỉ huy và Kiểm soát Vệ tinh để quan sát vụ phóng. Bình Nhưỡng khẳng định, một vệ tinh truyền thông đã được phóng thành công lên quỹ đạo và đang truyền dữ liệu.
Quyết định về cuộc họp diễn ra sau khi Nhật gửi thư chính thức yêu cầu HĐBA Liên Hợp Quốc họp khẩn cấp, để giải quyết những mối đe dọa với hòa bình và an ninh quốc tế. Yutaka Arima, một phát ngôn viên của phái bộ Nhật tại LHQ cho biết, Nhật đã đề nghị HĐBA họp sau khi vụ thử diễn ra vài phút. Chính phủ Mỹ và Hàn Quốc xác nhận, Triều Tiên đã phóng một tên lửa tầm xa từ căn cứ duyên hải phía đông, và tên lửa đã bay qua Nhật. Triều Tiên tuyên bố, nước này đưa một vệ tinh truyền thông vào không gian. Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và một số nước khác lại nghi ngờ rằng, Bình Nhưỡng dùng vụ phóng này để thử công nghệ tên lửa tầm xa. Các nhà ngoại giao tại Liên Hợp Quốc cho biết, Mỹ, Anh, Pháp và Hàn Quốc đã bắt đầu thảo luận về một nghị quyết mới của HĐBA nhằm xác nhận một lần nữa các lệnh trừng phạt hiện có với Triều Tiên.
Theo các nhà ngoại giao tại LHQ, Mỹ, Anh và Pháp, 3 nước có quyền phủ quyết ở HĐBA, sẽ không tìm kiếm lệnh trừng phạt mới trước sự phản đối có thể có của Trung Quốc, đồng minh gần gũi của Triều Tiên, và Nga - hai nước có quyền phủ quyết còn lại trong Hội đồng Bảo an. Bắc Kinh sẽ không ủng hộ những hành động cứng rắn hơn với Triều Tiên, vì nước này tin rằng chiến thuật đó sẽ không tác động nhiều tới Bình Nhưỡng, Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nhận xét.
Bắc Kinh có thể muốn tránh làm hỏng bầu không khí đang có giữa hai nước, bởi năm nay Trung Quốc và Triều Tiên kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. “Thái độ của Trung Quốc là rất thận trọng. Từ những kinh nghiệm trước đây, Bắc Kinh biết rằng những biện pháp cứng rắn sẽ không có tác dụng”, ông Shi cho biết. Trung Quốc lo ngại rằng, những biện pháp mạnh sẽ làm tổn hại tới quan hệ với Triều Tiên và tác động tới sự ảnh hưởng quan trọng của Trung Quốc với Triều Tiên ở giai đoạn nhạy cảm hơn.
Nghị quyết của HĐBA cấm dùng tên lửa đạn đạo vào mục đích quân sự, nhưng có một số người cho rằng, sẽ khó để trừng phạt Triều Tiên nếu có dấu hiệu rằng vệ tinh chính là thứ được gắn vào tên lửa đẩy, dù công nghệ đưa vệ tinh vào không gian cũng có thể dùng cho tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân. Sự mơ hồ này có nghĩa là bất cứ quyết định nào về việc đáp trả với Triều Tiên sẽ là quyết định chính trị, Daniel Pinkson, một nhà phân tích của Nhóm khủng hoảng quốc tế ở Seoul cho biết. “Có một điều đã rõ ràng:
Tôi cho rằng, người Trung Quốc và người Nga, đặc biệt là người Trung Quốc sẽ không ủng hộ lệnh trừng phạt bổ sung. Việc trừng phạt hay không đều phụ thuộc vào quan điểm của 5 nước thường trực trong HĐBA. Và nếu Nga hay Trung Quốc không ủng hộ trừng phạt thì sẽ không có gì xảy ra”. Lệnh trừng phạt được áp đặt lên quốc gia này sau khi họ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất vào năm 2006, dường như có ít tác dụng vì việc thực thi dựa vào từng nước, nghiên cứu của Marcus Noland, một nghiên cứu sinh của Viện kinh tế quốc tế Peterson đóng tại Washington nhận xét.
Trên thực tế, Triều Tiên có thể có lợi từ việc phóng tên lửa. Nước này từng có lịch sử dùng tình trạng bên bờ vực chiến tranh để lôi kéo viện trợ và nhượng bộ từ phương Tây. Ngoài ra, một vụ phóng tên lửa thành công có thể giúp đất nước đang gặp khó khăn này bán tên lửa và các bộ phận cho những nước khác để lấy tiền. Cùng với việc nhận được nhiều viện trợ hơn, Bình Nhưỡng còn muốn thương lượng trực tiếp với Mỹ thay vì đi qua tiến trình 6 bên nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của họ.
GIA HUY (Tổng hợp)