Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo, các nền kinh tế châu Á có thể phục hồi ở mức khiêm tốn trong năm tới do nhu cầu xuất khẩu gia tăng và kích thích tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế của IMF William Murray trả lời báo giới sau khi IMF đưa ra bản báo cáo về thực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay. |
Tăng trưởng ở Trung Quốc, Ấn Độ và một số nền kinh tế mới nổi dự báo ở mức 5,3%, sau khi sụt giảm xuống còn 3,3% trong năm nay. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo rằng, các nền kinh tế châu Á sẽ đối mặt với nhiều rủi ro nếu nhu cầu toàn cầu yếu hơn. Tổ chức này khuyến cáo, châu Á cần làm nhiều hơn để giảm bớt việc phụ thuộc vào xuất khẩu bằng cách thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Quan ngại chính là một cuộc suy thoái sâu hơn hoặc dài hơn ở những nước tiên tiến ngoài châu Á sẽ khiến nhu cầu sụt giảm, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư và tăng trưởng. Cho dù Trung Quốc, Nhật Bản và những nước khác đã đưa ra kế hoạch kích thích kinh tế, nhưng theo IMF thì điều cốt lõi là thúc đẩy nhu cầu nội địa.
Trung Quốc đã có những dấu hiệu phục hồi khi sản lượng sản xuất trong tháng 3 và doanh thu ô-tô được cải thiện, nhờ gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng của đại lục dự báo đạt 7,5% trong năm tới sau khi xuống ở mức 6,5% năm nay. Con số này với Ấn Độ năm 2010 là 5,6%. Kinh tế Singapore sẽ sụt giảm tới 10% năm nay và tiếp tục giảm 0,1% năm tới.
Trước đó, IMF đã đưa ra dự báo về kinh tế thế giới năm nay. Theo đó, lần đầu tiên trong 6 thập niên, kinh tế thế giới sẽ sụt giảm 1,3%. Cuộc suy thoái hiện tại cũng có thể khiến ít nhất 10 triệu người trên thế giới thất nghiệp, hầu hết là tại Mỹ và châu Âu do hoạt động kinh tế toàn cầu sụt giảm. Đây là cuộc suy thoái toàn cầu sâu rộng nhất kể từ Đại Suy thoái 1929-1933. Hồi tháng 1, IMF dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 0,5%. Quỹ Tiền tệ quốc tế nhấn mạnh, sẽ mất nhiều thời gian hơn để ổn định thị trường tài chính thế giới và đưa dòng chảy tín dụng trở lại hoạt động bình thường với người tiêu dùng và kinh doanh.
Lược đồ tăng trưởng GDP của các nước trên thế giới từ 2008-2010 do IMF dự báo. |
Nó đẩy nhiều người vào cảnh đói nghèo hay mất nhà cửa, làm tăng nguy cơ giảm phát dẫn tới giá cả và lương sụt giảm khiến người lao động càng khó khăn hơn trong thanh toán nợ nần. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trung bình có thể là 8,9% trong năm nay và tăng lên mức 10,1% trong năm tới. Ở Đức, con số này là 9% năm nay, 10,8% năm tới. Tại Anh, tỷ lệ thất nghiệp năm 2009 ước tính là 7,4% và năm tới là 9,2%.
Năm tới, IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trở lại, nhưng chỉ ở mức 1,9%. Theo tổ chức này, trong năm 2010, kinh tế Mỹ sẽ “đứng yên” không tăng trưởng hay sụt giảm, kinh tế Đức và Anh sụt giảm nhẹ khoảng 1% và 0,4%. Những nước khác như Nhật Bản, Nga, Canada và Mexico có hướng tăng trưởng trở lại. IMF còn cảnh báo về nguy cơ lạm phát gia tăng khi kinh tế toàn cầu đang chìm vào suy thoái.
BĂNG CHÂU (Tổng hợp)