.

Nhật Bản tìm kiếm thị trường nước ngoài

.

Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sụt giảm xuống mức kỷ lục trong tháng 2-2009, còn 3,5 nghìn tỷ yên (tương đương với 36 tỷ USD), bằng 49,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các công ty vẫn tìm kiếm thị trường ở nước ngoài. Khi các nhà hoạch định chính sách kêu gọi chú trọng vào thị trường trong nước, các công ty tỏ ra dè dặt về mức tiêu thụ ở Nhật Bản do nhu cầu giảm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tàu cập cảng Osaka, phía tây Nhật Bản. (Ảnh: AFP)

Yasuo Yamamoto, nhà kinh tế học tại Học viện Nghiên cứu Mizuho cho biết, các công ty Nhật Bản dường như không còn thấy được tương lai của thị trường trong nước. “Họ đang tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài thay vì đầu tư trong nước”, Yamamoto nói. Trong vòng 2 năm tới, Nhật Bản sẽ chi hơn 2.000 tỷ yên (hơn 20 tỷ USD) để thúc đẩy thương mại quốc tế, trong đó có 14 tỷ USD tiền bảo hiểm thương mại nhằm trang trải khoản lỗ của các doanh nghiệp Nhật Bản khi xuất khẩu sang các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, gần 7 tỷ USD sẽ được sử dụng để cung cấp các khoản tín dụng cho những doanh nghiệp châu Á đang làm ăn với đối tác Nhật Bản nhằm giúp họ tăng cường năng lực tài chính.

Trong tháng 1-2009, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm 45,7% so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế Nhật Bản vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên chịu tác động mạnh do người tiêu dùng trên toàn thế giới cắt giảm chi tiêu. Xuất khẩu ô-tô của nước này đã giảm hơn 70% trong tháng 2. Các công ty sản xuất ô-tô cắt giảm việc làm và giảm ca để thích ứng với tình trạng nhu cầu giảm.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản đã lên 4,4% vào tháng 2-2009 (tháng 1 là 4,1%). Đây là con số cao nhất trong 3 năm qua. Hiện tại, số người thất nghiệp ở Nhật Bản là 2,99 triệu người, tăng 330.000 người so với năm trước và đánh dấu sự gia tăng liên tiếp trong 4 tháng qua. Phát biểu trong một cuộc họp báo vào tuần này, Bộ trưởng Lao động Yoichi Masuzoe khẳng định, Chính phủ quyết tâm bảo vệ việc làm của người lao động bằng bất kỳ giá nào.

Nhật Bản đang bị tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nền kinh tế lớn nhất ở châu Á này đang có kế hoạch chi mới hơn 99 tỷ USD nhằm cứu nguy cho nền kinh tế. Theo đó, gói kích cầu này sẽ bao gồm các biện pháp trợ giúp các công nhân hợp đồng và kinh doanh quy mô nhỏ, đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, mở rộng công nghệ “xanh” cùng với những chính sách phúc lợi xã hội, chăm sóc người già.

PHÚC NGUYÊN

 

;
.
.
.
.
.