.

Quan hệ Cuba-Mỹ ấm dần lên

.

Đài Truyền hình Cuba cho biết, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã có buổi tiếp đoàn nghị sĩ Mỹ do bà Barbara Lee, Chủ tịch nhóm nghị sĩ Quốc hội người da đen dẫn đầu đang ở thăm Cuba. Đây là phái đoàn đầu tiên từ Mỹ tới Cuba, kể từ khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức hồi đầu năm. Chuyến thăm Cuba của đoàn diễn ra giữa lúc Chính phủ của Tổng thống Barack Obama đưa ra một số thay đổi trong chính sách đối ngoại với Havana, theo chiều hướng cải thiện quan hệ song phương.

Chủ tịch Raul Castro (phải) tiếp bà Barbara Lee tại thủ đô Havana.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Havana, ông Mel Watt, thành viên đoàn nghị sĩ Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối thoại với Cuba. Ông khẳng định, hai nước có thể có những mối quan tâm chung và chấm dứt những bất đồng lịch sử. Mục đích chuyến đi của đoàn nghị sĩ Mỹ là nhằm tìm kiếm tiếp xúc chính trị, để tiến tới bình thường hóa quan hệ với Cuba sau nửa thế kỷ đối đầu. Thay mặt 8 nghị sĩ Mỹ đang ở thăm Cuba, bà Barbara Lee cho biết, Mỹ và Cuba cần bình thường hóa quan hệ ngoại giao trước khi giải quyết những bất đồng. Và đa số các thành viên của đoàn cũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm này.

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez, hai bên đã thảo luận về những nguyên tắc chung hơn là đi vào chi tiết cụ thể trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của hai quốc gia. Hai bên cũng thảo luận khả năng Mỹ dỡ bỏ bao vây, cấm vận chống Cuba. Bà Lee nhấn mạnh, hiện có tới 68% người Mỹ phản đối cuộc cấm vận này, đồng thời khẳng định chuyến thăm Cuba lần này của đoàn nghị sĩ Mỹ rất tích cực. Bà cũng đánh giá cao khả năng hợp tác trong lĩnh vực khoa học giữa Mỹ và Cuba trong trường hợp Washington dỡ bỏ cấm vận.

Trước đó, trong bài xã luận ra ngày 5-4, cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã thúc giục các quốc gia Mỹ Latinh ủng hộ việc chấm dứt bao vây, cấm vận chống Cuba trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ nhóm họp tại Trinidad và Tobago từ 17 đến 19-4, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thời báo Phố Wall cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có dự định cho phép người Mỹ tới thăm người thân tại Cuba và chuyển hàng và tiền tới quốc đảo này.

Thời gian đưa ra thông báo này vẫn chưa được xác định, nhưng có giả thuyết cho rằng, tuyên bố này có thể được đưa ra trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh trong tháng này. Các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Mỹ Obama muốn thúc đẩy nhanh vấn đề Cuba để gửi đi thông điệp rõ ràng về sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Mỹ Latinh, nơi mà ảnh hưởng của Mỹ đã giảm sút dưới thời chính quyền Bush và nơi mà lệnh cấm vận đối với Cuba không được lòng dân.
 
Tuy nhiên, Chủ tịch Cuba Raul Castro cũng nhấn mạnh, chính sách “cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ đã lâm vào ngõ cụt và Cuba sẽ tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi. Nhà lãnh đạo cách mạng Cuba cho biết, Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ sắp tới sẽ là một “cuộc thử thách quan trọng” đối với khu vực khi các nhà lãnh đạo thảo luận vấn đề chấm dứt chính sách thù địch của Mỹ chống Cuba kéo dài suốt nửa thế kỷ qua. Lời kêu gọi của lãnh tụ Fidel ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez. Phát biểu trên truyền hình quốc gia Venezuela, ông Chavez tuyên bố: “Caracas không thể chấp nhận việc Mỹ tiếp tục bao vây, cô lập Cuba. Đây còn là vấn đề danh dự”.

Hiện nay, hầu hết Chính phủ các nước trong khu vực đều ủng hộ chấm dứt cuộc cấm vận chống Cuba do Mỹ áp đặt từ năm 1962. Trong thập kỷ vừa qua, phong trào cánh tả Mỹ Latinh tiếp tục được củng cố, phát triển, khẳng định vai trò lãnh đạo trong đời sống chính trị, xã hội ở nhiều nước trong khu vực. Chính quyền một số nước Mỹ Latinh đã lựa chọn “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” là con đường phát triển đi tới tương lai.

Sự phát triển  mạnh mẽ của Phong trào cánh tả Mỹ Latinh thu hút sự quan tâm theo dõi của dư luận quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lực lượng cánh tả và dân chủ, tiến bộ trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
                           
GIA HUY  (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.