.

Tội ác Khmer đỏ: công lý thực thi

.

Phiên tòa xét xử tội ác diệt chủng của Khmer đỏ đang diễn ra tại Campuchia. Đằng sau phiên tòa ấy là gì? Những lời thú tội muộn màng có thỏa vong linh của gần 2 triệu người đã bị Khmer đỏ giết hại?

Phiên tòa của 30 năm

Du khách tham quan phòng đựng dụng cụ dùng để tra tấn nạn nhân.

5 bị cáo nguyên là thủ lĩnh Khmer đỏ được Tòa án đặc biệt của Liên Hiệp Quốc và Campuchia đem ra xét xử là: hung thần Duch (tên thật là Kaing Guek Eavau) của trại giam S-21, Noun Chea (nhà tư tưởng văn hóa của Khmer đỏ, nguyên “chủ tịch quốc hội” của Campuchia Dân chủ), hai vợ chồng Ieng Sary (nguyên “phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao”) và Ieng Thirith (nguyên “bộ trưởng các vấn đề xã hội”) và Khieu Samphan (nguyên “chủ tịch nước”).

Phiên tòa mở ra sau gần 10 năm thương lượng giữa Liên Hiệp Quốc và Campuchia. Một trong những lý do khiến phiên tòa phải trì hoãn thời gian dài là dù chế độ Pol Pot đã sụp đổ từ tháng 1-1979, song những tàn tích của nó vẫn còn đây đó ở đất nước Campuchia. Dù 30 năm đã qua, song một khi việc xét xử không đúng mực sẽ gây ra sự mất đoàn kết ảnh hưởng đến nỗi đau của những nạn nhân và với chính quyền hiện tại.

Lời thú tội muộn màng

 

Trại nuôi cá sấu của Khmer đỏ nằm ở ngoại ô thành phố Siem Reap. 30 năm sau ngày Khmer đỏ sụp đổ, khu trại này trông hiền hòa, thu hút du khách đến thăm thú. Vẫn còn đó những bức tường gạch cũ bao quanh các hồ nuôi cá sấu. Ở một góc, bên kia bức hàng rào là khoảng đất trống, rộng hơn 2.000m, rào chắn bỏ hoang. Bên đó ngày trước là nhà tù. Các tù nhân được chở đến đây, đợi ngày đem ra làm mồi cho cá sấu ăn thịt sống.

Tranh họa tại bảo tàng ở Siem Reap mô tả cảnh lực lượng Khmer đỏ thả tù nhân xuống cho cá sấu ăn thịt.

 
Ngày 30-3 vừa qua, Duch đã ra hầu tòa tại Phnom Penh trước sự chứng kiến của hàng triệu người dân Campuchia qua truyền hình. Theo cáo trạng, Duch là thủ lĩnh nhà tù Tuol Sleng, còn được biết đến với cái tên S-21, là mắt xích then chốt trong cỗ máy giết người của Khmer Đỏ, tên đao phủ thú nhận “bất cứ ai bị thẩm vấn tại S-21 đều không thoát khỏi tra tấn”. Và chính ông ta đã ra lệnh giết khoảng 14.000 người từ năm 1975-1979 và “xin chịu trách nhiệm về những tội ác xảy ra ở S-21”.

Năm 1979, sau khi Phnom Penh được giải phóng, cỗ máy giết người kiểu trung cổ do Duch cầm đầu đã bị trưng ra trước thế giới. Giờ đây, Duch đang ngồi trước tòa án trông như một trí thức về hưu, khuôn mặt nhân từ, đeo kính trắng, bình thản. Bên ngoài phiên tòa, bao nhiêu người muốn ông ta đền tội.

Tại phiên tòa, Duch cũng cầu xin sự tha thứ của người dân, nhất là các nạn nhân và thân nhân của họ. Lời thú tội muộn màng của Duch tuy chưa thể xua tan nỗi đau trong lòng những nạn nhân nhưng giúp khẳng định thêm bằng chứng về tội ác của Khmer Đỏ. Thế nhưng, bằng việc mô tả khá tỉ mỉ cơ cấu của Khmer Đỏ với vai trò của Pol Pot và Nuon Chea, Duch đã chối bỏ vai trò chính trong tội ác diệt chủng, rằng “không dám trái lệnh cấp trên”, mặc dù biết “mệnh lệnh đó là tội ác”. Một tay giết hàng vạn người không ngại ngùng giờ đây có lời thú tội muộn màng và lời bào chữa đổ trách nhiệm cho cộng sự - Pol Pot - đã chết!

“Giải pháp thoát thân cuối cùng”

Duch thú tội tại tòa.

Sau Duch đến hai vợ chồng Ieng Sary, Nuon Chea và Khieu Samphan ra tòa. Dư luận đang tập trung vào Ieng Sary – nhân vật số hai sau Pot Pot trong chính quyền Khmer đỏ. Trong các lần xuất hiện của Pol Pot hoặc những cuộc họp quan trọng của bộ máy diệt chủng, Ieng Sary luôn đứng cạnh hoặc phía sau Pol Pot. Do đó, các nạn nhân của Khmer đỏ đều coi Ieng Sary là kẻ đồng phạm với Pol Pot, là nhân vật số hai của Khmer đỏ có trách nhiệm về tội ác của bộ máy này đối với người dân.

Khi rút khỏi Phnom Penh tháng 1-1979, Ieng Sary tiếp tục bám sát Pol Pot, tiếp tục gây thêm tội ác ở biên giới Thái Lan – Campuchia. Đến khi tàn quân Khmer đỏ tan rã, Ieng Sary mới quay về xin hưởng khoan hồng. Mãi cho đến năm 1996, khi biết tình hình bất lợi cho mình, Ieng Sary mới quyết định đầu hàng Chính phủ Campuchia, được Quốc vương Sihanouk ân xá và về sống tại thủ đô Phnom Penh. Hai vợ chồng Ieng Sary sống trong một biệt thự sang trọng, có bảo vệ canh phòng cẩn trọng trước khi bị bắt vào tháng 11-2007 để đem ra xét xử về tội diệt chủng.

Cho đến nay Ieng Sary vẫn chối bỏ việc mình có liên quan đến các tội ác diệt chủng. Tháng 2-2006, báo chí loan tin Ieng Sary nhập viện ở Bangkok (Thái Lan). Tháng 4-2008, Ieng Sary lại được đưa đến bệnh viện Calmette, theo luật sư của ông ta là bị tắt đường tiểu. Thực chất Ieng Sary không muốn đối mặt với sự thật, trong khi sự thật đó đã hủy hoại gần 2 triệu người Campuchia. Có lẽ cáo bệnh là giải pháp cuối cùng của Ieng Sary để hy vọng giảm được tội ác của mình. Nuon Chea và Ieng Thirith được dự báo cũng áp dụng “giải pháp thoát thân cuối cùng” này.

Một tiến trình đầy đau đớn

Ieng Sary-nhân vật thứ 2 sau Pol Pot.

Tính đến hết tháng 2-2009, đã có 3.633 hồ sơ của người dân nộp kiện chế độ Khmer đỏ đã gây tang thương cho họ và gia đình họ. Con số đó quá ít so với gần 2 triệu người đã bị chết trong những “cánh đồng chết”, trong những nhà tù Tuol Sleng khắp Campuchia.

30 năm, một thời gian quá dài với những nạn nhân diệt chủng – những người may mắn sống sót sau những cuộc tàn sát của bộ máy Khmer đỏ. Ngày nay, phần vì họ đã lớn tuổi, sức khỏe yếu sau những lần bị hành hạ, phần vì họ tự đặt câu hỏi đầy ưu tư: Nếu những người già kia (các cựu lãnh đạo Khmer đỏ ra tòa) có lãnh bản án chung thân, họ sẽ được gì? 30 năm qua, kể từ khi đất nước Chùa tháp được hòa bình, họ mang trong mình vết thương Khmer đỏ trở về với cuộc sống đời thường, làm lụng nuôi sống mình. Không được bồi thường, họ sống cuộc sống kham khổ, bệnh tật. 30 năm sau, khi tuổi đã lớn, cho dù những cựu thủ lĩnh Khmer đỏ có bị kết tội, họ vẫn không có gì khác, có chăng được giải tỏa nỗi lòng.

Tất cả những cựu thủ lĩnh Khmer đỏ được đưa ra tòa đều là những người đã già, sức lực yếu. Cho dù họ có nhận một bản án chung thân (tòa không có án tử hình) thì liệu họ sẽ thọ án được bao nhiêu năm? Và cho dù họ có nhận bản án cao nhất thì liệu những tội ác họ đã gây ra với dân tộc Campuchia có vơi đi trong nỗi đau của biết bao người dân?

Ông Youk Chhang – Giám đốc Trung tâm Lịch sử Campuchia – nói với báo giới trước khi phiên tòa khai mở: “Vấn đề không phải là trừng trị họ đến đâu mà là cho thấy họ đã phạm tội đến đâu. Hai triệu nguời chết trên cả nước, 14.000 người chết ở nhà tù Tuol Sleng, có bản án nào đủ để đền bù được?”. Helen Jarvis, người phát ngôn tòa án, thì nói: “Đây sẽ là một tiến trình đầy đau đớn, nhưng chúng tôi tin rằng đó sẽ là tiến trình dẫn đến cảm giác rằng cuối cùng thì công lý cũng được thực thi”.

Thẩm pháp Campuchia Chea Leang nói tại phiên tòa: “30 năm qua, một nửa triệu nạn nhân của Khmer đỏ đã và đang đòi hỏi công lý cho những gì mà họ phải chịu đựng, một thế hệ người dân Campuchia đã đấu tranh tìm câu trả lời cho số phận của mình. Công lý sẽ được thực hiện và lịch sử đòi hỏi như thế”. Lịch sử đòi hỏi, người dân đòi hỏi và công lý đòi hỏi, tất cả đều vì một đất nước Campuchia tạm gác lại nỗi đau của những “cánh đồng chết” và hướng đến tương lai không còn vết thương diệt chủng âm ỉ bấy lâu nay.

 

Pol Pot (tên thật là Saloth Sar, sinh năm 1925), là lãnh đạo Khmer đỏ và là thủ tướng Campuchia từ 1976 đến 1979, nhưng cầm quyền không chính thức từ giữa năm 1975. Chế độ Khmer đỏ tàn bạo đã gây ra cái chết của khoảng 1,7 triệu người Campuchia (khoảng 26% dân số tại thời điểm đó).

Sau khi Khmer đỏ sụp đổ vào tháng 1-1979, Pol Pot lùi về rừng hoạt động và chính thức từ chức năm 1985, nhưng trên thực tế vẫn là lãnh đạo Khmer đỏ. Năm 1989, khi bộ đội tình nguyện Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, Pol Pot vẫn tiếp tục hoạt động trong rừng tới tận năm 1996, khi những đội quân mất nhân tính đó dần tan rã.

Pol Pot ra lệnh hành quyết Son Sen, người trong nhiều năm là cánh tay phải và mười một thành viên trong gia đình mình ngày 10-6-1997 vì họ muốn hòa giải với chính phủ. Sau đó Pol Pot chạy sang cứ điểm của hắn ở phía bắc, nhưng bị lãnh đạo quân sự Khmer đỏ là Ta Mok bắt giữ, và kết án quản thúc tại gia suốt đời. Tháng 4-1998, Ta Mok chạy vào rừng đem theo Pol Pot khi bị quân đội chính phủ mới tấn công. Đến ngày 15-4-1998, Pol Pot chết, nguyên nhân theo thông báo là bệnh tim.

 

Kim Thành (
Tổng hợp)

 

 

;
.
.
.
.
.