.

Triều Tiên ra lệnh trục xuất các thanh sát viên quốc tế

.

CHDCND Triều Tiên đã yêu cầu các thanh sát viên Liên Hợp Quốc phải rời khỏi nước này, sau khi tuyên bố sẽ ra khỏi bàn đàm phán sáu bên và khởi động lại cơ sở hạt nhân sản xuất pluton cấp độ vũ khí.

Triều Tiên tuyên bố tái khởi động lò phản ứng Yongbyon.

Người phát ngôn IAEA Marc Vidricaire cho biết: “CHDCND Triều Tiên hôm nay đã thông báo cho các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở tổ hợp hạt nhân Yongbyon rằng, nước này đang chấm dứt mọi sự hợp tác với IAEA. Họ đã yêu cầu dỡ bỏ mọi thiết bị giám sát và ngăn chặn, theo đó, các thanh sát viên IAEA sẽ không còn được phép vào cơ sở này nữa. Các thanh sát viên cũng được yêu cầu rời Triều Tiên ở thời điểm sớm nhất có thể”. Theo người phát ngôn Marc Vidricaire, Triều Tiên thông báo với IAEA rằng, họ đã quyết định tái kích hoạt mọi cơ sở hạt nhân và xúc tiến quá trình tái chế các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng.

Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs đã đề nghị Triều Tiên chấm dứt ngay những đe dọa khiêu khích và tôn trọng ý nguyện của cộng đồng thế giới bằng cách thực thi các cam kết quốc tế. Phát biểu trước các phóng viên, ông Gibbs cho rằng, việc Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân và rút khỏi các cuộc đàm phán 6 bên là một bước đi sai hướng nghiêm trọng. Ông cũng cho biết, cộng đồng quốc tế sẽ không chấp nhận Triều Tiên trừ khi chính quyền nước này từ bỏ các hành động mà Nhà Trắng cho là nhằm phát triển vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng, việc làm trên của Bình Nhưỡng là sự đáp trả không cần thiết đối với sự chỉ trích của Hội đồng Bảo an về vụ phóng tên lửa ngày 5-4 của Triều Tiên. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ hy vọng sẽ có cơ hội để thảo luận vấn đề này với không chỉ những đối tác và các đồng minh của Mỹ, mà thậm chí với cả Chính phủ Triều Tiên.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố quyết định ngừng hợp tác với IAEA là một hành động hoàn toàn phi lý và đánh giá tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là một sự trả lời thẳng thắn nhưng thích đáng với chính quyền Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc cũng kêu gọi CHDCND Triều Tiên xem xét lại quyết định tẩy chay các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này.
 
Theo một thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh hy vọng tất cả các bên sẽ... tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán sáu bên, cùng quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho biết, Moscow bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Bình Nhưỡng và hy vọng rằng, tiến trình đàm phán sáu bên sẽ được nối lại trong tương lai rất gần.

Triều Tiên đã vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân chính của nước này trong khuôn khổ thỏa thuận ngoại giao sáu bên hồi năm ngoái. Ông Dan Pinkston, một nhà phân tích kỳ cựu của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế có trụ sở ở Seoul cho rằng, Bình Nhưỡng có khả năng đưa cơ sở hạt nhân Yongbyon hoạt động trở lại, nhưng sẽ phải mất nhiều thời gian. Ông Pinkston nói: “Họ có thể tái xây dựng các cơ sở đó. Sẽ mất một hoặc hai năm hay thậm chí có thể lâu hơn. Dẫu vậy, nếu họ quyết tâm, họ có thể tái xây dựng các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon”. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc nói rằng, họ vẫn lạc quan rằng có thể thuyết phục Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân sáu bên.

BĂNG CHÂU (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.