.

Venezuela “khởi động lại” quan hệ với Mỹ

.

Cuối tuần qua, tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ diễn ra ở Trinidad và Tobago, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cho biết, nước này sẽ sớm đưa đại sứ trở lại Washington. Đáp lại thiện chí trên, Mỹ cũng sẽ cử đại sứ tới Caracas và hy vọng mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Wood, đây là bước đi tích cực thúc đẩy lợi ích của Mỹ và Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ hành động vì mục tiêu chung này.

Tổng thống Chavez trao tặng Tổng thống Obama cuốn sách “Những quan điểm công khai của Mỹ Latinh”.
Ông Chavez ra lệnh trục xuất phái viên Mỹ tại Caracas hồi tháng 9 năm ngoái để tỏ tình đoàn kết với Bolivia. Mỹ cũng đáp trả tương tự. Căng thẳng giữa Mỹ và Venezuela xoay quanh tranh cãi về một âm mưu chống lại Tổng thống Bolivia Evo Morale mà Mỹ bị coi là chủ mưu. Tổng thống Venezuela từng là nhân vật chỉ trích Mỹ rất mạnh mẽ khi Tổng thống Bush đang nắm quyền, ông Chavez cáo buộc chính quyền lúc đó có âm mưu ám sát mình.

Tuy nhiên, trong một cuộc gặp mới diễn ra, Tổng thống Chavez cho biết, ông sẽ cử Roy Chaderton, hiện là đại diện của Venezuela tại Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), làm đại sứ mới của nước này tại Washington. Ông Chavez cũng bày tỏ hy vọng về một kỷ nguyên mới trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc gặp thượng đỉnh nói trên. Hai người đã bắt tay và chào nhau bằng tiếng Tây Ban Nha, gây bất ngờ cho những người chứng kiến.
 
“Tôi muốn làm bạn với ông”, Chavez nói với Obama và tặng ông chủ Nhà Trắng cuốn sách nhan đề “Những quan điểm công khai của Mỹ Latinh”, do cây bút cánh tả người Uruguay Eduardo Galeano viết. Cuốn sách nói về việc các nguồn tài nguyên của châu Mỹ Latinh bị các nước lớn, trong đó có Mỹ, khai thác. Ngoài ra, Tổng thống Chavez cũng đánh giá cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) và Tổng thống Mỹ Barack Obama là “tuyệt vời”, đồng thời tuyên bố ông “rất lạc quan” về triển vọng xích lại gần nhau giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh. Trước đó, Chavez từng gọi Obama là “ngạo mạn đáng thương”, sau khi Tổng thống Mỹ cáo buộc Chavez “xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố” và là “trở ngại cho tiến bộ ở châu Mỹ Latinh”.

Trong cuộc gặp gỡ các lãnh đạo Nam Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố sẵn sàng lắng nghe và học hỏi sau khi cam kết một kỷ nguyên tăng cường hợp tác và một sự khởi đầu mới trong quan hệ với Cuba. Phát biểu trước giới truyền thông, Tổng thống Mỹ khẳng định: “Tôi có nhiều thứ phải học hỏi. Tôi rất hy vọng sẽ được lắng nghe và tìm ra cách thức để chúng ta cùng hoạt động hiệu quả hơn”. Tại Hội nghị lần này, ông Obama cùng lãnh đạo các nước Mỹ Latinh và vùng Caribbe thảo luận về việc hợp tác phát triển các nguồn năng lượng, đối phó với hiểm họa thay đổi khí hậu toàn cầu, cũng như chống lại các hoạt động buôn lậu vũ khí và ma túy đang đe dọa khu vực.

Obama cũng tuyên bố trước 33 lãnh đạo khác của châu Mỹ rằng, chính quyền của ông muốn có một sự khởi đầu mới với Cuba nhằm chấm dứt cuộc xung đột về hệ tư tưởng kéo dài suốt nửa thế kỷ qua ở Tây bán cầu. Phát biểu của ông Obama được đưa ra không lâu sau khi Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố Chính phủ của ông sẵn sàng đàm phán với Mỹ về mọi thứ, kể cả vấn đề tù nhân chính trị và tự do báo chí.

Những tín hiệu tích cực từ cả hai phía đã làm dấy lên hy vọng về sự tái lập quan hệ lịch sử giữa Washington và Havana - hai đối thủ thời Chiến tranh lạnh. Mặc dầu Cuba không tham dự hội nghị cấp cao ở Trinidad và Tobago, tuy nhiên, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và các nhà lãnh đạo khác tại hội nghị, trong đó có Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega và Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner, đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Mỹ chấm dứt mọi biện pháp trừng phạt kéo dài 47 năm qua đối với đảo quốc này.
 
ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.