Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, Ấn Độ không tránh khỏi ảnh hưởng, và một trong những tác động lớn đến nền kinh tế quốc gia này là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đột ngột sụt giảm.
Vật liệu xây dựng trung tâm thương mại Mall of India nằm ngổn ngang vì chờ tiền đầu tư. (Ảnh: New York Times). |
Sumit Sapra là một trong những thanh niên Ấn Độ thuộc thế hệ đầy tham vọng và thiếu kiên nhẫn. Cùng với sự phát triển của đất nước, 5 năm trước, anh thay đổi công việc 3 lần, và lương cũng theo đó tăng lên gấp 4 lần. Thậm chí, khi hài lòng với công việc, Sapra vẫn tải lý lịch lên mạng nhằm tìm kiếm cơ hội khác tốt hơn nữa. Sapra cũng đã tiêu tiền rất phung phí.
Trong 3 năm, anh mua 3 chiếc ô-tô. Để phục vụ cho những cuộc đi chơi cuối tuần, anh mua một chiếc mô-tô. Thời gian Sapra được trả lương tốt nhất là khi anh làm việc tại các trụ sở dịch vụ tài chính của Tập đoàn General Electric (G.E) với tiền đầu tư của phương Tây rót vào các dự án năng lượng Ấn Độ. Nhưng đến tháng 12-2008, tiền đầu tư cạn kiệt và Sapra cho dù có bằng cấp hấp dẫn vẫn bị sa thải.
Cách đây không lâu, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã tự tin dự đoán rằng, đất nước này sẽ không bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng bây giờ thì rõ ràng sự tiên đoán đó quá lạc quan. Một vài năm cách đây, ngành xây dựng phát triển mạnh, các công nhân phải làm việc thâu đêm. Bây giờ, thị trường bất động sản dường như “đóng băng”. Và hệ quả của cuộc khủng hoảng là những người có bằng cấp tử tế như Sumit Sapra hoặc bị mất việc, hoặc bị cắt giảm lương.
Sự tăng trưởng được xem là “hiện tượng” của Ấn Độ trong 5 năm qua là một nhân tố lớn thu hút đầu tư khổng lồ. Tiền đầu tư nước ngoài đạt 39% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm tài chính 2008, tăng 25% so với năm 2007. Lúc cao điểm nhất, hơn 1/3 đầu tư là từ nước ngoài. Thậm chí, lượng tiền đầu tư nước ngoài lớn khiến đồng rupee tăng giá, thu hẹp xuất khẩu và theo đó hàng vạn người bị thất nghiệp.
Nhưng trong 3 tháng cuối năm 2008, các khoản vay và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài giảm gần 1/3 - mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua. Trong một báo cáo gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, các công ty Ấn Độ là những doanh nghiệp bị tác động nhất trên thế giới, sau các công ty Mỹ. Sử dụng dữ liệu từ Hãng đánh giá tín dụng Moody’s, IMF ước tính trong báo cáo rằng nợ vay không trả được trong các công ty phi tài chính Nam Á có thể lên 20% trong năm đến, trong khi các Công ty Mỹ dự kiến con số này là 23%.
Sumit Sapra bị mất việc làm và vẫn chưa tìm được công việc khác. (Ảnh: New York Times). |
Việc sụt giảm đầu tư nước ngoài đang gây thiệt hại lớn cho các lĩnh vực như bất động sản, sản xuất chế tạo, cơ sở hạ tầng và thậm chí cả nghệ thuật. Trong quý 4-2008, tăng trưởng kinh tế tụt xuống còn khoảng 5,3% - tỷ lệ thấp nhất trong 5 năm. Việc đầu tư nước ngoài đột ngột giảm sút khiến nền kinh tế Ấn Độ khó tăng trưởng đủ để đưa hàng trăm nghìn người thoát nghèo. Jahangir Azi, nhà kinh tế học thuộc Tập đoàn JPMorgan Chase cho rằng, nếu Ấn Độ muốn quay trở lại với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 8-9% thì đầu tư tư nhân và vốn thấp nhất là thiết yếu. Theo các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ, họ tin rằng đất nước này sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2009 nhưng dự đoán của IMF chỉ là 4,5%. Để bù vào chỗ trống đầu tư nước ngoài, Chính phủ Ấn Độ đang dồn chi phí vào các chương trình xã hội và cơ sở hạ tầng.
PHÚC NGUYÊN (Theo New York Times, Times of India)