.
Cái chết của Roh Moo-hyun

Tiếc thương và thất vọng!

.

Cuối tuần qua, người dân Hàn Quốc từ bất ngờ đến bị sốc trước tin cựu Tổng thống Roh Moo-hyun đã tự vẫn vì cảm thấy có lỗi với nhiều người. Sự ra đi bất ngờ của ông Roh đã khiến cả đất nước Hàn Quốc bị sốc, bởi đây là lần thứ hai ông đem lại sự bất ngờ quá lớn cho dân chúng:

Người dân Hàn Quốc đến viếng cựu Tổng thống Roh Moo-hyun tại quê nhà ở Gimhae hôm 24-5.

Sự bất ngờ lớn thứ nhất là ông đã phản bội niềm tin của không ít dân chúng khi bị cáo buộc tham nhũng và bất ngờ thứ hai là ông đã ra đi vì không dám đối mặt với những hành động mà ông gây ra. Trong thư tuyệt mệnh, ông đã dùng từ “khó khăn” để miêu tả cuộc sống của ông và xin lỗi vì đã gây ra nỗi đau quá lớn cho nhiều người.

 Vào thời điểm trước khi tự tử, cựu Tổng thống 62 tuổi này đang bị điều tra vì cáo buộc gia đình Tổng thống đã nhận hàng triệu USD hối lộ của một doanh nhân giàu có khi còn tại vị. Với xuất phát khá trẻ cùng với những lời hứa nhổ tận gốc “đại dịch” tham nhũng khi đang tại nhiệm, ông Roh được xem là sự khởi đầu mới mà Hàn Quốc đang rất cần. Tuy nhiên, ông đã làm nhiều người thất vọng vì ông đã không thực hiện đúng cam kết của mình mà còn là người tham nhũng.

Cựu Tổng thống Roh sau đó đã lên tiếng xin lỗi về vụ bê bối. “Tôi cảm thấy xấu hổ trước người dân của mình. Tôi xin lỗi vì đã làm phiền các bạn”, ông cho biết trong một tuyên bố trên đài truyền hình. Và trong một tuyên bố khác được đăng tải trên trang web cá nhân vào tháng 4 vừa qua, cựu Tổng thống Roh thừa nhận, vợ ông đã nhận một khoản tiền lớn của doanh nhân giàu có trên. Tuy nhiên, ông cho rằng, đó không phải là khoản hối lộ mà là khoản giúp đỡ để vợ ông trả nợ.

Ông Roh lên làm Tổng thống Hàn Quốc sau khi công chúng đã mất niềm tin vào chính phủ trước, vì những vụ bê bối và vì mối quan hệ quá thân thiết với Mỹ. Nhưng trớ trêu là chính những bê bối và đấu đá chính trị đó lại gây họa cho ông Roh trong thời gian tại vị. Nhiều chính sách ông đưa ra bị dân chúng phản đối. Đầu năm 2004, ông thậm chí còn bị “treo” chức Tổng thống, sau khi quốc hội bỏ phiếu nhất trí điều trần ông vì cáo buộc vi phạm luật bầu cử.
 
Nhưng Tòa án Hiến pháp sau đó đã lật ngược động thái của quốc hội và ông lại được phục chức. Tổng thống Roh trở lại ở vị trí mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thúc đẩy chương trình cải cách của mình được thông qua ở quốc hội. Nhưng hàng loạt những quyết định không được dân chúng ủng hộ, trong đó có quyết định gửi quân Hàn Quốc tới Iraq, nỗ lực bất thành chuyển thủ đô Hàn Quốc khỏi Seoul và tiếp tục chính sách hòa hoãn với Triều Tiên đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông Roh rớt xuống thảm hại một lần nữa. Chính phủ của ông cũng bị cáo buộc không có năng lực trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế và đối ngoại.

Sau khi hay tin ông Roh qua đời, trên các đường phố Seoul, người dân Hàn đã có những phản ứng khác nhau. “Tôi rất đau buồn. Tôi không thể tưởng tượng ông ấy đã đau khổ thế nào. Tôi nghĩ, cái chết là lựa chọn tốt nhất cho ông ấy để những người thân của ông không phải gánh chịu”, Park Kyung-hee bộc bạch. Nhưng Kim Hye-jung, 35 tuổi, nói: “Ông ta khiến chúng tôi 2 lần bị sốc, đầu tiên là phản bội niềm tin của chúng tôi khi ông ấy nhận hối lộ. Giờ đây, ông Roh lại chứng tỏ rằng, ông ấy thậm chí không dám đối mặt với hậu quả hành động của ông ta. Với tư cách là một người ủng hộ các giá trị mà ông ấy từng bảo vệ, tôi cảm thấy rất thất vọng”.

Tuy nhiên, sẽ là mất mát lớn cho những người ủng hộ ông, nhờ vào việc theo đuổi chính sách “Ánh dương” của người tiền nhiệm - tăng cường cứu trợ cho CHDCND Triều Tiên nhằm thúc đẩy hòa giải và đặt tham vọng biến Hàn Quốc thành trung tâm kinh doanh của khu vực Đông Bắc Á. Cựu Tổng thống Roh Moo-hyun được coi là biểu tượng của chính trị tiến bộ, với mục đích tăng phúc lợi cho người nghèo và người tàn tật, đồng thời đẩy mạnh tự do xã hội dân sự, thúc đẩy hòa giải với Triều Tiên. Không chỉ người dân mà ngay cả các nhà lãnh đạo hàng đầu của Hàn Quốc cũng bày tỏ sự tiếc thương đối với sự ra đi đột ngột của ông.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak gọi đó là một thảm kịch quốc gia. Người tiền nhiệm của ông Roh là Kim Dae-Jung cũng bày tỏ thương tiếc: “Tôi đã mất đi một người bạn lâu năm. Những cáo buộc liên quan tới các thành viên gia đình ông đã bị rò rỉ với báo chí hằng ngày. Ông ấy có thể không còn chịu được sức ép và những căng thẳng. Tôi gửi lời chia buồn sâu sắc với gia đình ông ấy”. 

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Kim Kyung-han cũng đã bày tỏ “sự bất ngờ và đau buồn” trước cái chết của cựu tổng thống. Ông Kim tuyên bố sẽ khép lại cuộc điều tra các cáo buộc tham nhũng kéo dài nhiều tháng nhằm vào gia đình ông Roh. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, sự ra đi của ông Roh có thể đẩy chính trường Hàn Quốc vào tình trạng bất ổn sâu hơn. Phe Tự do cho rằng, chính phủ của Tổng thống Lee đang cố tìm cách làm suy yếu lực lượng đối lập thông qua điều tra tham nhũng. 

 
Lãnh đạo các nước chia buồn về sự ra đi của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun:

* Tổng thống Mỹ Barack Obama: Tôi rất buồn trước thông tin về cái chết của ông Roh Moo-huyn. Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Roh đã có những đóng góp lớn cho quan hệ bền vững và quan trọng giữa Mỹ và Hàn Quốc. Thay mặt Chính phủ Mỹ, tôi gửi lời chia buồn tới gia đình ông ấy và nhân dân Hàn Quốc.

* Thủ tướng Anh Gordon Brown: Tôi rất buồn vì cái chết bi kịch của ông Roh và ca ngợi ông là nhà lãnh đạo đã để lại dấu ấn trên cả chính trường trong nước và quốc tế.

* Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso: Tôi rất bất ngờ. Tôi gửi lời chia buồn sâu sắc của mình và cầu nguyện cho linh hồn ông ấy được yên nghỉ.

* Thủ tướng Campuchia Hun Sen: Ông Roh Moo-hyun đã có đóng góp lớn trong việc phát triển quan hệ giữa Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, sự ủng hộ và giúp đỡ lớn lao mà Hàn Quốc đã dành cho Campuchia trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Roh từ năm 2003 - 2008.

 
 
ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.